Hà Nội: Quảng bá “đất trăm nghề” với tiềm năng sản phẩm OCOP

Với lợi thế của nguồn nông sản đa dạng, phong phú cùng các làng nghề nổi tiếng, thời gian qua Hà Nội đã phát huy thế mạnh của vùng đất trăm nghề, với nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, qua đó đã góp phần nâng cao thương hiệu của nông sản Thủ đô.
Quảng bá "đất trăm nghề" với tiềm năng sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Sản phẩm mây tre đan đạt chuẩn OCOP của huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Thúc đẩy quảng bá sản phẩm nông sản của Thủ đô

Trong thời gian qua, TP. Hà Nội rất quan tâm chú trọng đến phát triển làng nghề, sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn và chất lượng. Nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm, thời gian qua Sở NN&PTNT Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở Công Thương, Du lịch, Y tế và các quận, huyện, thị xã tổ chức các sự kiện, hội chợ, Festival, tuần hàng, hội thảo để thực hiện xúc tiến đẩu tư, thương mại và du lịch nhằm giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, văn hóa của Thủ đô đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, Thủ đô Hà Nội là “Đất trăm nghề” hiện có 1.350 làng nghề làng có nghề. Trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận; có 1.090 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; với hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode).

Đặc biệt Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 977 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, với lợi thế và tiềm năng của Hà Nội, chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019 đến nay, Thành phố đã có 2.756 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.491 sản phẩm 4 sao và 1.247 sản phẩm 3 sao. Năm 2024, Thành phố tiếp tục đánh giá, phân hạng gần 500 sản phẩm nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Hà Nội có nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm chất lượng cao phục vụ cho khoảng 12 triệu dân sinh sống, làm việc và lưu trú trong thành phố rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn hàng hóa thiết yếu thường xuyên chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu thị trường còn lại phải nhập thêm từ các tỉnh thành trong nước và từ nước ngoài.

Thành phố hiện có có 29 hệ thống Trung tâm Thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối nông sản (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai) và 5 chợ có tính chất đầu mối; trên 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa; trên 400 sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Để quảng bá sản phẩm, thời gian qua Sở NN&PTNT Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở Công Thương, Du lịch, Y tế và các quận, huyện, thị xã tổ chức các sự kiện, hội chợ, Festival, tuần hàng, hội thảo để thực hiện xúc tiến đẩu tư, thương mại và du lịch nhằm giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, văn hóa của Thủ đô đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước.

Qua đó, góp phần thúc đẩy quảng bá sản phẩm nông sản của Thủ đô đến các tỉnh, thành và kích cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm giữa Hà Nội với các địa phương trên cả nước.

Quảng bá "đất trăm nghề" với tiềm năng sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Sản phẩm ô mai Vạn Xuân đạt chuẩn OCOP 4 sao của TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Chị Nguyễn Thị Lệ, chủ cơ sở sản xuất ô mai Vạn Xuân cho biết, ô mai Vạn Xuân đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng và đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của TP. Hà Nội. Việc Sở NN&PTNT tổ chức các chương trình Tuần hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản có ý nghĩa rất lớn đối với các đơn vị sản xuất, nhà phân phối cũng như các doanh nghiệp… Bởi đây chính là cơ hội để các đơn vị được hỗ trợ tích cực trong việc quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời là cơ hội kết nối hợp tác tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản của các tỉnh, thành của nước ta.

Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch quận Long Biên cho biết, việc tổ chức Tuần hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại Hà Nội là dịp để các chủ thể, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường. Nhất là việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…

Đồng thời, giúp các chủ thể, doanh nghiệp và cộng đồng tăng cường kết nối giao thương, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, tiếp cận với công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới. Từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững. Đồng thời góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; cũng như đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thiện Tâm

Báo điện tử Chính phủ/Chuyên trang Thủ đô Hà Nội – thanglong.chinhphu.vn