Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6%- 7%/năm; Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Duy trì và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, phấn đấu đến năm 2030 giá trị sản xuất của các làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 1.800 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động trong khu vực ngành nghề nông thôn được đào tạo nghề tăng lên từ 10% đến 20%. Và tầm nhìn đến năm 2045, ngành nghề nông thôn ở Hà Tĩnh tiếp tục là hoạt động trọng tâm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế mang lại thu nhập cao và giải quyết việc làm, góp phần vào tăng trưởng chung của địa phương. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của các địa phương.

Trong kế hoạch cũng nêu rõ định hướng phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn khác nhau. Đối với Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: Trên cơ sở nghề thủ công truyền thống đã có, khuyến khích nghiên cứu, phát triển vào các ngành nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Thanh Bình Thịnh, Trường Sơn, Liên Minh huyện Đức Thọ, xã Xuân Phổ huyện Nghi Xuân; sản xuất mây tre đan mỹ nghệ, nón mỹ nghệ tại các xã An Hòa Thịnh, thị trấn Phố Châu huyện Hương Sơn; xã Thạch Long, Việt Tiến, Thạch Liên huyện Thạch Hà; xã Kỳ Thư, xã Lâm Hợp huyện Kỳ Anh, xã Cẩm Sơn huyện Cẩm Xuyên; sản xuất các sản phẩm trầm hương tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê. Ngoài ra còn có các nhóm nghề khác như: Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Nhóm sản xuất muối; Nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Bên cạnh đó, cần tập trung bảo tồn, khôi phục và các làng nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền, gắn với du lịch; xây dựng kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm làng nghề; phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề, làng nghề truyền thống. Ưu tiên thành lập các hội, hiệp hội nghề ở các địa phương, các trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm, thông tin thị trường phục vụ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề. Đồng thời, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

Nhằm phát triển ngành nghề nông thôn địa bàn tỉnh, kế hoạch cũng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Tổ chức lại sản xuất ngành nghề nông thôn; Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển thị trường và hội nhập quốc tế; Bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề và Hoàn thiện cơ chế chính sách.

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung được nêu trong kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, tham mưu, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét theo quy định.

Toàn văn Kế hoạch xem tại File đính kèm phía dưới./.

BBT
Cổng TTĐT tỉnh Hà Tĩnh – hatinh.gov.vn

  Tải xuống tệp đính kèm