Tôm khô Sông Đầm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023
Sống ở vùng đất có nguồn thủy hải sản phong phú từ tự nhiên, nhất là con tôm đất, anh Lê Minh Sang, ngụ ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi luôn trăn trở phải làm thế nào để phát triển những sản vật địa phương để phát triển kinh tế. Từ đó, giúp cho gia đình mình và những gia đình khác ở địa phương có cơm ăn áo mặc, con cái được học hành, không phải bỏ xứ đi làm thuê, làm mướn.
Nghĩ là làm. Anh Sang bắt đầu học hỏi kinh nghiệm sản xuất tôm khô từ các cơ sở làm tôm khô lâu năm ở huyện Ngọc Hiển và các địa phương khác ngoài tỉnh. Sau nhiều lần thất bại, những cố gắng của anh đã được đền đáp khi năm 2014 và năm 2017, sản phẩm tôm khô Sông Đầm do cơ sở sản xuất của anh Sang sản xuất được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Không dừng lại ở đó, từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, năm 2019, anh Sang thành lập HTX Sông Đầm với mong muốn xây dựng thương hiệu tôm khô Sông Đầm ngày càng phát triển, vươn xa.
Để sản xuất ra sản phẩm tôm khô đạt chất lượng, HTX Sông Đầm chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là con tôm đất tươi sống, được thu mua từ các hộ dân tại địa phương. Quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển cũng được “chuẩn hóa” để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, năm 2014, sau khi được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, anh Sang được Sở Công Thương tỉnh hỗ trợ đầu tư thiết bị sấy năng lượng mặt trời. Ngoài ra, anh Sang cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng cho hệ thống tủ đông, thiết bị sản xuất hiện đại, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một sản phẩm công nghiệp tiêu biểu.
Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, anh Sang đã làm hồ sơ đăng ký tham gia và được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh công nhận đạt 3 sao năm 2020. Năm 2023, sản phẩm tôm khô Sông Đầm tiếp tục được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh công nhận đạt OCOP 4 sao.
Sản phẩm tôm khô Sông Đầm được sản xuất từ tôm đất nguyên liệu còn sống
Tôm nguyên liệu sau khi mua sẽ được chạy oxy trong quá trình vận chuyển về cơ sở sản xuất, để đảm bảo tôm còn sống trước khi đưa vào chế biến. Sau đó sẽ được phân cỡ để chuyển sang công đoạn luộc và sấy. Sau khi sấy khô đạt yêu cầu sẽ chuyển sang công đoạn đập vỏ và làm sạch vỏ bằng máy. Tiếp đến là làm sạch vỏ lần thứ hai bằng phương pháp thủ công và đóng gói bán ra thị trường. Hiện tại, tôm khô sông Đầm được đóng hộp theo quy cách 250g, 500g, với giá bán 1,8 triệu đồng/kg.
Anh Sang cho biết: “Bí quyết để sản phẩm tôm khô đạt chất lượng chính là nguồn nguyên liệu đầu vào. HTX chọn con tôm đất được thu mua tại địa phương để làm nguyên liệu sản xuất tôm khô. Điểm đặc biệt của con tôm đất là được khai thác hoàn toàn từ tự nhiên, vì hiện nay người dân chưa nuôi được. Chính vì thế sản phẩm có vị ngọt đặc trưng của thịt tôm và vị mặn tự nhiên, rất vừa với khẩu vị của phần lớn người tiêu dùng. Ngoài ra, sau khi đưa lên khỏi mặt nước thì tôm đất sống lâu hơn tôm sú hay tôm thẻ nên dễ dàng giữ được độ tươi sống của tôm trước khi đưa vào sản xuất. Đối với công đoạn sấy, HTX sử dụng hệ thống sấy năng lượng mặt trời được Sở Công Thương tỉnh hỗ trợ đầu tư từ chương trình khuyến công của tỉnh. Toàn bộ quy trình sản xuất đều được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Do sử dụng nguyên liệu tôm đất tự nhiên, sấy khô bằng năng lượng mặt trời và không sử dụng chất bảo quản hay phẩm màu, nên sản phẩm tôm khô Sông Đầm có vị ngọt, thơm tự nhiên và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Là một trong những sản phẩm đạt tiêu chuẩn đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Kiên Giang…
HTX Sông Đầm góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương
Ngoài tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình cho các xã viên HTX, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, sản phẩm tôm khô Sông Đầm còn góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nghề làm tôm khô của HTX Sông Đầm còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 – 12 lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Vào thời gian cao điểm, HTX còn thuê khoảng 20 lao động để sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi Trần Bá Đởm, cho biết: “Thời gian qua, UBND xã Tân Dân luôn quan tâm đến việc triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Bên cạnh việc triển khai chương trình đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã, UBND xã còn khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh phát triển các sản phẩm là thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững. HTX Sông Đầm được thành lập năm 2019. Trước khi thành lập, HTX chỉ là hộ kinh doanh, chủ yếu sản xuất mặt hàng nông sản địa phương như tôm khô, tôm khô chà bông. Nhận thấy triển vọng phát triển của sản phẩm, UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện hướng dẫn, hỗ trợ thành lập HTX. Từ đó, huy động nguồn lực của các thành viên HTX, sản xuất sản phẩm quy mô lớn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Hy vọng rằng, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, thương hiệu “tôm khô Sông Đầm” sẽ ngày càng khẳng định được niềm tin đối với người tiêu dùng. Từng bước, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương, lưu giữ được nghề truyền thống, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh”.