Ngay từ những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ XX cù lao An Bình đã hình thành loại hình du lịch sinh thái; homestay thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm cảnh đẹp sông nước miệt vườn và thưởng thức các dịch vụ du lịch hấp dẫn như: Tham quan vườn trái cây; tát mương bắt cá; chèo xuồng trên sông; nghỉ dưỡng tại homestay, nghe đờn ca tài tử, ăn những món ăn truyền thống đặc trưng vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ. Lợi thế là vậy, nhưng hiện nay du lịch cù lao An Bình của huyện Long Hồ chưa có sự bứt phá, chưa phát huy hết thế mạnh vốn có để trở thành trung tâm du lịch của tỉnh có sức cạnh tranh mạnh mẽ, hấp dẫn du khách. Du lịch cù lao An Bình của huyện Long Hồ đang đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt từ các khu, điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh nếu không kịp thời đổi mới cách thức hoạt động.
Một trong những giải pháp có thể đưa du lịch Long Hồ nói chung, du lịch cù lao An Bình nói riêng phát triển bền vững đó là phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch xanh. Theo đó, cần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Hướng tới mục tiêu giá trị thu được từ hoạt động du lịch không chỉ tập trung vào các cơ sở, điểm kinh doanh dịch vụ du lịch mà cộng đồng dân cư địa phương cũng được hưởng lợi ích từ hoạt động du lịch. Để làm được điều này cần sớm rà soát, bổ sung nội dung về phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch đã có như: Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của huyện. Nghiên cứu đánh giá thực trạng và tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn của các xã cù lao, kể cả các xã khu vực đất liền có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Xây dựng Đề án tổng thể phát triển du lịch của huyện, trong đó có nội dung phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới và các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của từng địa phương, sản phẩm du lịch cộng đồng. Tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng mô hình ở những nơi có có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, có nguồn tài nguyên sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với sản xuất nông nghiệp có lợi thế, bảo tồn làng nghề, phát huy giá trị văn hóa. Hiện nay các xã cù lao An Bình của huyện Long Hồ rất thuận lợi để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Làng nghề trồng, chăm sóc, kinh doanh Mai vàng gắn với cây ăn trái đặc sản…Quan tâm xây dựng một số mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch, như chuỗi: Sản xuất cây giống – Trồng chăm sóc, thu hoạch cây ăn trái – Chế biến trái cây – Chế biến sản phẩm Ocop từ trái cây – Tham quan nghỉ dưỡng tại các homestay – Làng nghề – Di sản đương đại Mang Thít – Bảo tàng nông nghiệp Nam bộ…
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Homestay Út Trinh
Long Hồ cũng là địa phương có lợi thế phát triển du lịch xanh, đặc biệt là khu vực cù lao An Bình. Bởi nơi đây có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú hơn 4.000ha vườn cây ăn trái, đa dạng về chủng loại trái cây đặc sản như: chôm chôm, nhãn, sầu riêng, ổi, mận…; hệ thống sông nước chằng chịt kết nối với hai nhánh sông lớn của dòng MêKông hùng vĩ đó là Sông Tiền và Sông Cổ Chiên; có nhiều cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử, nổi bật là Chùa Tiên Châu và hệ thống các nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm với kiến trúc độc đáo. Để phát triển du lịch xanh điều quan trọng là phải dựa vào thiên nhiên, môi trường tự nhiên và ứng xử thân thiện với môi trường, bởi Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trước mắt cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân địa phương, hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi; trồng chăm sóc cây xanh, bông hoa dọc các tuyến đường, hình thành những tuyến đường hoa, tuyến đường cây xanh; tăng cường tuyền truyền, hướng dẫn nhà vườn trồng chăm sóc cây ăn trái bằng phương pháp an toàn sinh học. Tổ chức các cuộc ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên các tuyến đường bộ và đường sông, hướng tới hình thành các tour du lịch chèo thuyền kayak; chèo xuồng tam bản, xuồng ba lá du ngoạn kết hợp với vớt rác trên các nhánh sông Mương Lộ; sông Cái Muối; sông Vàm Giang… vì ngày nay du khách có xu hướng quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Thời gian qua một số cơ sở kinh doanh du lịch tại các xã cù lao đã có những cách thức giảm thiểu rác thải nhựa thân thiện với môi trường, đơn cử như Homestay Út Trinh không sử dụng các loại ly, chén, dĩa bằng nhựa sử dụng một lần; Nhà dừa Cocohome sử dụng gáo dừa thay chén bằng nhựa hoặc bằng sứ; Khu du lịch Bến Thành – Vinh Sang nuôi dưỡng, bảo tồn đàn cò tự nhiên rất hiệu quả, thu hút nhiều cá thể cò trắng, cò đen, cò nâu sinh sống vừa bảo tồn sinh học vừa tạo cho du khách có dịp chiêm ngưỡng.
Khi hình thành được các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch xanh thì việc quảng bá, giới thiệu vô cùng quan trọng. Theo đó phải quan tâm tổ chức sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch xanh; Hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến; Phối hợp xây dựng các ấn phẩm, tạp chí, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội để giới thiệu các điểm đến; Từng bước số hóa các điểm đến và xây dựng bản đồ số kết nối mạng lưới điểm đến về du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch xanh của huyện.
Quảng bá đặc sản Long Hồ thông qua các sự kiện
Duy trì, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch sinh thái sẵn có, cùng với việc sớm triển khai xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch xanh, đồng thời quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cả về đường bộ và đường sông, trong thời gian tới du lịch Long Hồ sẽ phát triển hiệu quả và bền vững./.
Bài, Ảnh: Công Toàn-Nguyễn Dũng
vinhlongtourist.vn