Đắk Nông: Cần thêm động lực cho sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP ở Đắk Nông vẫn tồn tại nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ, chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế cao.

Đắk Nông đã từng bước đạt được mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm để khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

OCOP góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

img_8606.jpg

Đến tháng 5/2024, Đắk Nông đã có 96 sản phẩm OCOP của 78 chủ thể

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Chương trình OCOP của Đắk Nông vẫn còn một số mặt hạn chế cần được các cấp, ngành, đoàn thể, các chủ thể sản phẩm nhìn nhận, khắc phục.

Điển hình nhất là việc một số sản phẩm phát triển chưa bền vững, thị trường tiêu thụ còn yếu. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại một số nơi chưa hiệu quả, thiếu bền vững.

Không ít chủ thể OCOP vẫn còn thiếu sự đầu tư, nâng cấp sản phẩm sau khi được công nhận. Sản phẩm OCOP vẫn ở quy mô nhỏ lẻ; bao bì, mẫu mã đơn giản, chưa thu hút người tiêu dùng.

Đến tháng 5/2024, Đắk Nông đã có 96 sản phẩm OCOP của 78 chủ thể. Trong đó, có 18 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao. Tỉnh đang đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận 2 sản phẩm hạng 5 sao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của những hạn chế trên là người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và chính quyền chưa thực sự lấy sản phẩm OCOP làm niềm tự hào.

dsc_0503.jpg
Quýt đường của HTX sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, huyện Krông Nô được sản xuất trên vùng đất phun trào của núi lửa Nâm Ka
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích về những đặc trưng, đặc biệt làm nên các sản phẩm OCOP đáng để tự hào. Đó là nhiều sản phẩm OCOP được canh tác, sản xuất trên cao nguyên M’nông, vùng đất bazan; thuộc công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; truyền thống văn hóa của 40 dân tộc cùng sinh sống…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh: “Tất nhiên các giá trị, niềm tự hào về OCOP cần thực chất, gắn với cả quá trình xây dựng, hoàn thiện sản phẩm chứ không phải chỉ ở lời nói”.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, sản phẩm OCOP Đắk Nông không phải của riêng ai mà là của cộng đồng, của người dân, của cán bộ, công chức, doanh nghiệp. Bởi sản phẩm OCOP là đặc trưng, đặc sản của làng, xã, cộng đồng.

Đằng sau sản phẩm OCOP là truyền thống, là văn hóa của mỗi vùng miền nông thôn. Do vậy, cần làm sao để mỗi người dân đi đâu cũng có thể mang sản phẩm OCOP ra giới thiệu, quảng bá với bạn bè, khách hàng.

“Tự hào về OCOP thì OCOP mang lại những giá trị lớn. Đó là những giá trị không chỉ về mặt kinh tế mà còn là bản sắc, niềm tự hào của Đắk Nông”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết.

Liên quan đến nội dung này, tại Hội nghị triển khai chương trình nông thôn mới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, không ít chủ thể OCOP vẫn chưa thật sự chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình, từ chất lượng bên trong đến mẫu mã, bảo bì, nhãn hiệu bên ngoài.

Sản phẩm OCOP chưa nêu bật được niềm tự hào gắn với bản sắc, đặc trưng, sức mạnh chung của cộng đồng, làng quê. Do đó, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

dsc_0194.jpg

Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại TP. Gia Nghĩa

Các cấp, ngành cần có nhận thức mới về vai trò, vị trí của OCOP đối với kinh tế nông thôn. Ngoài chú trọng sản xuất, việc xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP là điều rất cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các địa phương cần thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Từ đó góp phần tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài nước.

Trần Thị Thoan

Báo Đắk Nông điện tử – baodaknong.vn