Phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, quy định tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình phát triển du lịch nông thôn đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là “mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”. Có thể nói du lịch nông nghiệp giúp nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, giá cả nông sản không ổn định, hoạt động sản xuất ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu,… Phát triển du lịch nông nghiệp như một mũi tên trúng nhiều đích, vừa giúp gia tăng giá trị sản xuất, quảng bá được sản phẩm, giải quyết việc làm, lại vừa thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm để nâng cao thu nhập.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại 01 điểm vườn chôm chôm
Ngoài việc phục vụ trái cây, các điểm trên còn phục vụ ăn uống, đặt bàn đãi tiệc theo yêu cầu của khách với các món ăn dân dã hay đặc sản địa phương, có dịch vụ phục vụ văn nghệ, chương trình đờn ca tài tử. Bên cạnh việc tham quan các điểm vườn, du khách còn được trải nghiệm tại các homestay như tham gia trồng hay thu hoạch rau cải, đi câu cá, tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản tại các hộ dân, tham quan làng nghề,…Qua đó, giúp du khách có những trải nghiệm thật thú vị. Lượt khách đến tham quan, trải nghiệm loại hình du lịch nông nghiệp của địa phương đã không ngừng tăng lên qua các năm. Đây sẽ là loại hình du lịch khá hấp dẫn, sẽ tiếp tục ngày càng thu hút du khách nếu chúng ta quan tâm, định hướng, chỉnh chu sản phẩm.
Du khách trải nghiệm trồng rau cùng người dân địa phương
Có thể nói, du lịch nông nghiệp đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển du lịch Vĩnh Long – tăng lượt khách và doanh thu thời gian qua. Tuy nhiên, loại hình du lịch này vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ thỏa đáng để tạo đà tiếp tục phát triển thời gian tới. Cụ thể như: (1) Quy định về sử dụng đất đai trong khai thác và phục vụ loại hình du lịch này còn lúng túng, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, tiềm ẩn vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng đất – đây là vấn đề tồn tại rất khó khăn và hy vọng sẽ được tháo gỡ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực; (2) Không ít sản phẩm sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh; (3) Một số chủ thể chưa quan tâm liên kết, chia sẻ lợi ích với cộng đồng; (4) Thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương đối với các quy định hoạt động kinh doanh, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; (5) Nguồn nhân lực tại các điểm còn yếu và thiếu – chủ yếu là người làm tại các điểm vườn cũng là các thành viên trong gia đình; (6) Hạn chế trong công tác xúc tiến quảng bá đối với các điểm đến.
Để khắc phục những tồn tại vướng mắc thuộc thẩm quyền, Ngành Du lịch của địa phương đã và đang phối hợp các đơn vị liên quan để tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, cụ thể: Trong tháng 4/2024, Ngành Du lịch phối hợp một số cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát, đánh giá lại chất lượng hoạt động các điểm vườn, qua đó định hướng xây dựng các tiêu chí chung đảm bảo công tác phục vụ khách tại các điểm, đảm bảo công tác phục vụ phải chu đáo, chất lượng; Ngành cũng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch loại hình này để mọi người hiểu rõ, thực hiện tốt các quy định liên quan; Tổ chức tập huấn các lớp làm du lịch cộng đồng, lớp xây dựng, quản lý và phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch cho các cơ sở kinh doanh, qua đó giúp các cơ sở định hướng trong xây dựng cơ sở, chỉnh chu sản phẩm khác biệt, liên kết tăng chuỗi giá trị sản phẩm, chủ động trong quảng bá điểm đến tại các kênh truyền thông, đặc biệt các trang mạng xã hội; Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan cấp huyện truyền thông vấn đề vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, triển khai thông tin và tập huấn cho các cơ sở kinh doanh nắm và thực hiện, kết hợp tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm.
Du khách tham quan trải nghiệm tại làng nghề sản xuất gạch, gốm đỏ của Vĩnh Long – Đây là sản phẩm mới, mang tính đặc thù gắn vào tour du lịch sinh thái của địa phương tạo nên điểm nhấn, nét riêng của du lịch Vĩnh Long
Riêng vướng mắc về vấn đề đất đai, hiện nay cũng đã có tín hiệu vui, hy vọng sẽ tháo gỡ được trong thời gian tới. Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều điểm mở về việc sử dụng đất đai. Cụ thể, tại Điều 178 và Điều 218 đã có đề cập việc đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ. Điều này sẽ tạo cú hích rất lớn cho Vĩnh Long cũng như các địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch nông thôn. Nhà đầu tư, chủ các điểm vườn sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển loại hình du lịch này mà không còn ngán ngại bởi các quy định sử dụng đất trước đây hay những bất cập, khó khăn trong chuyển đổi mục đích đất sử dụng, mạnh dạn trong xây dựng cơ sở hạ tầng chỉnh chu hơn, phát triển các dịch vụ bổ trợ phục vụ du khách.
Khẳng định du lịch nông nghiệp của Vĩnh Long thời gian qua đã dần phát triển góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương, và đang được quan tâm đầu tư để tiếp tục phát triển trở thành 01 trong 04 sản phẩm đặc thù của tỉnh theo Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long đến 2025 và định hướng 2030. Trong thời gian tới, thiết nghĩ không chỉ Ngành Du lịch mà các cấp, các ngành cần tiếp tục chung tay quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, khắc phục tồn tại, khó khăn, giúp loại hình du lịch này phát triển hơn nữa, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế – xã hội địa phương, đưa du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025.
Bài, ảnh: Trọng Tín
Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Long – vinhlongtourist.vn