Các sản phẩm OCOP của huyện Mù Cang Chải được bày bán, giới thiệu tại Lễ hội khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Đi khắp các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, dễ dàng nhận thấy mỗi đoàn khách sau khi tham quan, vui chơi, trải nghiệm quay trở về ai nấy đều đem theo một món quà kỷ niệm tại vùng đất đã đặt chân qua. Có lẽ món quà kỷ niệm được đem theo nhiều nhất chính là các sản vật đồ ăn, thức uống. Hương vị sản phẩm là ẩm thực Yên Bái đậm chất núi rừng Tây Bắc được nhân dân các địa phương phục vụ du khách một cách thân thiện và chu đáo.
Đặc biệt, những năm gần đây triển khai theo hướng mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo ra nhiều sản phẩm để du khách lựa chọn; đồng thời cũng tạo ra cơ hội để người dân cả nước biết đến, tin dùng các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, địa phương của Yên Bái.
Ghé thăm mảnh đất Mù Cang Chải với những thửa ruộng bậc thang sóng lúa dập dờn nối liền chân mây, anh Nguyễn Hữu Quang – du khách đến từ quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Đến Mù Cang Chải, ngoài cảnh vật thì đoàn chúng tôi ai cũng thích thú mua sắm, háo hức đem về làm quà các sản phẩm OCOP như mật ong hoa tự nhiên, táo mèo sấy khô, gạo Séng cù. Thậm chí, mấy người bạn của tôi đã từng tới Mù Cang Chải du lịch nhưng không đi chuyến này đã gọi điện dặn đi dặn lại nhất định phải tìm mua hộ mấy chai mật ong…”.
Cũng như Mù Cang Chải, những món ngon, những sản vật đặc trưng của vùng đã tạo sức hút mạnh mẽ, để lại ấn tượng, tăng hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch cho thị xã Nghĩa Lộ. Người Thái Mường Lò đã khéo léo giới thiệu đặc sắc văn hóa ẩm thực của mình tới du khách khi đưa vào thực đơn của hầu hết tại các homestay, nhà hàng. Ngoài ra, nếu có nhu cầu, du khách có thể đi tham quan các chuỗi liên kết thực phẩm, cách chế biến các món ăn cùng với người dân bản địa.
Bà Hoàng Thị Loan – chủ Homestay Loan Khang ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Khách du lịch đến nghỉ là người Việt hay người nước ngoài đều được chúng tôi giới thiệu thưởng thức các món ăn truyền thống đặc trưng của người Thái như món Pa pỉnh tộp, xôi ngũ sắc nấu từ gạo nếp của cánh đồng Mường Lò, thịt trâu gác bếp, bánh chưng đen, lợn sấy, lạp sườn… Cách ăn và khẩu vị đều theo người bản địa. Dù lạ vị nhưng hầu hết thực khách đều có cảm nhận chung là rất ngon miệng, hài lòng. Với du khách lần đầu đến, khách nước ngoài trước khi thưởng thức ẩm thực của Homestay Loan Khang, chúng tôi đều có giải thích về nguyên liệu, cách chế biến, công dụng của từng món ăn. Đoàn nào có nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm cùng làm một số món sẽ được chúng tôi đưa tới các cơ sở chuyên sản xuất”.
Song hành quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương tại các điểm du lịch, đặc sản quê hương Yên Bái cũng thường xuyên được giới thiệu tại các hội chợ thương mại du lịch trong và ngoài tỉnh. Các hội chợ được tổ chức với quy mô lớn, bài bản, chất lượng vừa giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, địa phương quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, vừa tạo ra điểm đến mua sắm thuận tiện, hấp dẫn người dân, du khách. Mỗi đặc sản đưa ra chính là “sứ giả văn hóa”, chứa đựng trong đó là đặc trưng truyền thống của một vùng đất cụ thể, thể hiện phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình mua sắm sản phẩm còn biết thêm thông tin về những điểm đặc biệt từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất, thậm chí cả giá trị văn hóa tinh thần.
Có thể thấy, du lịch đóng vai trò quan trọng là kênh quảng bá, giao lưu, trao đổi ẩm thực, kết nối, tiêu thụ các sản vật địa phương. Đồng thời, các sản vật địa phương nói chung và sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái nói riêng đã góp phần giải bài toán về quà tặng du lịch mang tính đặc trưng, làm phong phú thêm chương trình mỗi tua du lịch. Hy vọng, thời gian tới, trên đà tăng trưởng mạnh của du lịch sẽ có nhiều hơn nữa các sản vật Yên Bái được quảng bá rộng rãi đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Lê Thương
Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn