Hội viên Chi hội phụ nữ bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La tham gia thi giã cốm
Ngọc Chiến nằm trên độ cao 1.800m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, cùng các mỏ nước khoáng nóng tự nhiên, những ngôi nhà sàn mái lợp gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, con người thân thiện, với bản sắc văn hóa độc đáo được đồng bào các dân tộc giữ gìn, thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng. “Miền cổ tích” hay “miền quê đáng sống” là những tên gọi thân thuộc của du khách khi nói về xã Ngọc Chiến.
Chị Lò Thị Vượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Chiến, cho biết: Hội có 1.850 hội viên, sinh hoạt tại 15 chi hội. Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, phối hợp với Hội người cao tuổi, nghệ nhân dân gian trên địa bàn xã truyền dạy những điệu ca, lời hát, chữ viết và một số nghề truyền thống cho hội viên phụ nữ.
Bên cạnh đó, Hội còn huy động hơn 1.000 hội viên thường xuyên mặc trang phục truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian tại các lễ hội do xã, huyện tổ chức, với mục đích giới thiệu nét văn hóa truyền thống đến với du khách. Vận động các chi hội bản Lướt, Nà Tâu, Mường Chiến I, Mường Chiến II xây dựng tuyến đường hoa, sửa chữa nhà ở, sân vườn, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp. Những hoạt động đó đã giúp hội viên phụ nữ trên địa bàn xã hiểu hơn về phong tục, tập quán và tham gia bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch ở địa phương.
Tại bản Lướt, mô hình du lịch cộng đồng được một số gia đình hội viên phụ nữ triển khai từ năm 2018, đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ trong tạo dựng không gian sống xanh và nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc. Chị Lò Thị Hậu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Lướt, chia sẻ: Hiện nay, chúng tôi duy trì nghề dệt thổ cẩm và mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời, vận động hội viên cải tạo vườn trồng các loại rau xanh, chăn nuôi để phục vụ sinh hoạt của gia đình và cung cấp thực phẩm phục vụ du khách. Đến nay, đã có 13 hộ hội viên phụ nữ tham gia mô hình. Việc phát triển du lịch đã mang lại thu nhập cho mỗi hội viên từ 5-8 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện đời sống cho hội viên.
Vào những dịp xã tổ chức lễ hội mừng cơm mới, lễ hội hoa sơn tra, sẽ bắt gặp phụ nữ trong xã mặc bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mông, La Ha, tham gia những trò chơi dân gian; hay hình ảnh phụ nữ dân tộc Mông với đôi tay khéo léo vẽ sáp ong tạo họa tiết trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Những kỹ năng thủ công truyền thống, nét đẹp văn hóa từ xa xưa được phụ nữ Mông ở xã Ngọc Chiến lưu giữ cho đến ngày nay. Các món ăn dân tộc đa dạng, phong phú, trình bày đẹp mắt cũng được chị em khéo léo thể hiện trong phần thi ẩm thực.
Chị Giàng Thị So, Chi hội phụ nữ bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, chia sẻ: Từ nhỏ, chị em phụ nữ chúng tôi đã được các bà, các mẹ dạy cách vẽ sáp ong, làm trang phục cho bản thân, gia đình. Đây là nét đẹp văn hóa của dân tộc mà chúng tôi luôn gìn giữ, mong muốn du khách biết đến và cùng trải nghiệm.
Vừa có dịp trải nghiệm lễ hội hoa sơn tra xã Ngọc Chiến, chị Nguyễn Thị Khuyên, thành phố Hà Nội, chia sẻ: Tôi rất ấn tượng về cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành ở đây. Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, các trò chơi dân gian, cách tạo hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Mông, hay các tiết mục văn nghệ của chị em phụ nữ dân tộc tại bản Nậm Nghẹp, đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng rất đặc biệt.
Bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, mỗi hội viên, phụ nữ xã Ngọc Chiến đã và đang trở thành nhân tố tích cực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và góp phần phát triển du lịch của địa phương.