Tại Yên Bái, du lịch cộng đồng và các mô hình homestay đã bắt đầu hình thành từ năm 2005 ở bản Đêu, xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), sau đó phát triển sang các thôn bản khác. Đến nay, dịch vụ homestay đang tăng lên ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, như ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải, huyện Yên Bình, huyện Văn Yên….
Để phát triển loại hình du lịch homestay, các hộ gia đình đã cải tạo ngôi nhà của mình và trang bị thêm cho khách lưu trú những đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Các khu nghỉ được bố trí vách ngăn bằng nứa hoặc các tấm màn che bằng thổ cẩm, vải hoa khổ lớn. Chăn, đệm cũng được làm thủ công như đệm, gối bông lau hay bông gạo… tuỳ theo bản sắc từng địa phương và điều kiện các hộ gia đình.
Ngoài ra, các gia đình còn kết hợp bán một số mặt hàng địa phương làm quà lưu niệm như: thổ cẩm, quần áo dân tộc, đệm ghế, gối, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan… cùng đặc sản mật ong hoa rừng, các sản phẩm từ quả sơn tra (táo mèo), mở dịch vụ tắm lá thuốc dân tộc, xông hơi rất hấp dẫn du khách.
Tại mỗi khu vực, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản như: xôi ngũ sắc, các món ăn được chế biến từ cá suối, rau rừng, măng sặt, rêu đá, thịt lợn muối chua, thịt trâu khô, thịt lợn sấy, cơm nương, trứng kiến chiên, thịt gà nấu măng chua… rất đặc trưng. Du khách còn được hòa mình vào những làn điệu dân ca, Xình ca, những điệu múa Xúc tép, Chim gâu hay tìm hiểu phong tục truyền thống trong lễ Cấp sắc, rước dâu của hai dân tộc Dao và Cao Lan…
Đến du lịch Yên Bái và lưu lại homestay, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu tập tục sinh hoạt, lao động, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống như: ủ và nấu rượu, xay mèn mén, se lanh, dệt vải, thổ cẩm, rèn dao, lưỡi cày, chạm khắc bạc… hay đến mùa thì tham gia gặt, đập lúa trên những thửa ruộng bậc thang, cùng giã cốm, giã bánh dày…
Là một trong những mô hình lưu trú cộng đồng tại Bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, gia đình chị Hoàng Thị Lai đã có liên kết với các công ty du lịch, lữ hành trên toàn quốc để đón khách du lịch. Nhờ đó mỗi năm homestay Hoàng Lai của gia đình chị đón hàng trăm du khách, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn trước.
Chị Hoàng Thị Lai cho biết làm homestay bắt nguồn từ niềm yêu thích chế biến các món ăn, trong đó món ăn chị tâm đắc nhất là thịt trâu gác bếp. Bây giờ nhiều nơi đã lấy và quảng bá thịt trâu gác bếp của chị đến với du khách, tuy nhiên chị Hoàng Lai vẫn mong muốn được vay vốn lãi suất thấp để mở rộng kinh doanh, thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch.
Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ mô hình này, các hộ gia đình trên địa bàn đã phối hợp để triển khai, mở rộng du lịch homestay từ khâu quảng bá đến thu hút, tiếp đón du khách, qua đây đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, nâng cao đời sống gia đình, phát triển kinh tế tại địa phương.
Bà Hoàng Thị Loan – chủ homestay Loan Khang (bản Xà Dèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) cho biết, khu nhà của bà đón tối đa 100 du khách. Đã có nhiều công ty lữ hành kết hợp với gia đình để đón và phục vụ hàng nghìn lượt du khách. Trong đó có khách nước ngoài như: Anh, Pháp, Canada… và đông nhất vào giai đoạn tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.
Tuy nhiên, để phát triển dịch vụ homestay, bà Loan chia sẻ: “Cái khó khăn của mình là rất muốn mở rộng thêm không gian nhưng ở đó là đất sản xuất nông nghiệp, vì vậy muốn làm thêm những khu nhà cho khách nhu cầu riêng từ thì quỹ đất không có. Ngoài ra về vay vốn ngân hàng, như tôi là người có tuổi rồi thì khó khăn hơn. Nếu được hỗ trợ những nguồn vốn vay lâu dài, với lãi suất ưu đãi một chút thì chắc chắn là xây dựng du lịch cộng đồng sẽ thu hút được nhiều khách”.
Có thể thấy, việc phát triển mô hình homestay không chỉ mang lợi ích về kinh tế, giúp xoá đói giảm nghèo cho người dân vùng cao, quảng bá các nét văn hoá độc đáo và ẩm thực truyền thống của các dân tộc, mà còn giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân địa phương.
Chị Hà Thị Chinh – chủ homestay Cương Chỉnh (bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Qua mô hình này, gia đình tôi tiêu thụ các thực phẩm sạch của đồng bào dân tộc Thái ở đây chế biến ra, ví dụ như gạo, rau, các loại thực phẩm sạch. Ngoài ra là nơi tiêu thụ sản phẩm truyền thống như dệt thổ cảm và nghề đan lát. Homestay cũng tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên”.
Nhận thấy tiềm năng của mô hình du lịch homestay trong phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các gia đình có mô hình này tiếp cận với nguồn vốn từ các ngân hàng để có thể đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô. Chính quyền địa phương cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các khoá tập huấn về kỹ năng làm du lịch cộng đồng.
Ông Vi Trọng Trinh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết: “Hàng năm chúng tôi phối hợp với các phòng, ban của thị xã, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của UBND thị xã cũng tập huấn cho các hộ gia đình về quy trình chế biến thức ăn, rồi cấp giấy chứng nhận qua mở các lớp đào tạo tiếng anh, kỹ năng tiếp đón khách du lịch, đặc biệt khách nước ngoài”.
Việc phát triển homestay là một trong những hướng đi có tiềm năng cho du lịch Yên Bái. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các chủ cơ sở về công tác quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để thu hút khách du lịch, nhằm đưa loại hình dịch vụ này ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy du lịch Yên Bái, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Xuân Lan/VOV1
Báo điện tử VOV-vov.vn