Phú Thọ: Huyện Tân Sơn tập trung xây dựng sản phẩm OCOP

Là huyện miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm đại đa số, kinh tế chưa phát triển nên đời sống của người dân huyện Tân Sơn còn gặp khá nhiều khó khăn. Trong các giải pháp nhằm giúp bà con phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo mà huyện Tân Sơn đưa ra thì việc tập trung đầu tư vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chú trọng.


Ông Đinh Trọng Tâm (bên trái), Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Mỹ Thuận, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, trao đổi với thành viên HTX kỹ thuật tách đàn ong mật

Tính đến nay, huyện Tân Sơn đã xây dựng được 16 sản phẩm OCOP (trong đó có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao) của 12 chủ thể thuộc 8 xã. Các sản phẩm OCOP của Tân Sơn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xã có lợi thế như chè, rượu, mật ong, trái cây, du lịch, sản phẩm chăn nuôi… Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình kể từ khi bắt đầu triển khai đạt xấp xỉ 13 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ các chủ thể gần 1 tỷ đồng.

Là một trong những chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận năm 2022, HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Mỹ Thuận, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn đang tập trung vào phát triển nghề nuôi ong, mở rộng đàn, đầu tư máy móc trong chế biến mật để nâng cao chất lượng hướng tới nâng hạng sản phẩm mật ong rừng Mỹ Thuận. Ông Đinh Trọng Tâm, Giám đốc HTX chia sẻ: Nghề nuôi ong lấy mật rất phù hợp với người dân ở huyện Tân Sơn do nguồn vốn đầu tư không cao, diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhiều loại cây có hoa tạo mật cho ong. Vì vậy, HTX đã quy tụ những hộ nuôi ong trên địa bàn xã và các xã lân cận nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc, tách đàn, chế biến, bảo quản và tiêu thụ mật ong. Sau khi được công nhận đạt hạng OCOP, sản phẩm của HTX đã mở rộng được thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành khác như: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh. Tới đây, HTX sẽ đầu tư lắp đặt hệ thống máy phân tách thủy nhằm nâng cao chất lượng mật tiến tới nâng hạng sản phẩm.

Để xây dựng các sản phẩm OCOP, cùng với việc triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ vốn, thủ tục, kỹ thuật cho các chủ thể, UBND huyện Tân Sơn đã chỉ đạo Phòng NN & PTNT phối hợp với các cấp để mở các lớp tập huấn cho các hộ tham gia HTX; quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất bảo đảm sản xuất ổn định; tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, triển khai thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa. Huyện tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hội chợ kết nối giao thương; hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình xây dựng hệ thống, điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP tại các địa phương; ứng dụng thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Đồng chí Nguyễn Xuân Việt, Trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết: Tân Sơn đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 47 sản phẩm OCOP của 35 chủ thể, tập trung vào các nhóm ngành như: Thực phẩm tươi sống; chè xanh, chè thảo dược; du lịch cộng đồng; đồ uống… Đồng thời, tiêu chuẩn hóa, phát triển 32 sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương, phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 4 sao trở lên. Để đạt được mục tiêu đề ra, cùng với việc thực hiện các chương trình hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, huyện cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử; phối hợp triển khai cho các chủ thể trưng bày, quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Phan Cường
Báo Phú Thọ – baophutho.vn