Được công nhận là mô hình du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP 4 sao và là điểm du lịch làng nghề, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề. Đồng thời tích cực mở rộng kết nối để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn xã.
Xã xác định phát triển kinh tế du lịch là hướng đi đúng đắn, tất yếu
Chia sẻ với báo chí, ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch xã Hồng Vân cho biết, Hồng Vân là xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới năm 2016 và có 2 làng được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề sinh vật cảnh năm 2008, với nhiều nghệ nhân giỏi và các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng. Hồng Vân còn là nơi in đậm dấu ấn truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu cùng với nhiều di tích văn hóa, lịch sử. Xã có “Chợ Mới ông Già” được tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh giá trị kỷ lục là “Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về Cha con Chử Đồng Tử vào thời Hùng Vương”.
Với bề dày về lịch sử và văn hóa, trong những năm qua, để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề, xã đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang sản xuất hàng hóa và thí điểm đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp vào khai thác dịch vụ, du lịch theo chuỗi liên kết, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy tắc văn hóa ứng xử, thực hiện nếp sống văn minh trong các tầng lớp nhân dân; thường xuyên chăm sóc, duy tu cảnh quan và làm tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn xã.
Năm 2018, xã đã được UBND Thành phố công nhận là một Điểm du lịch của thành phố và cuối năm 2019, xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mới đây, mô hình du lịch nông thôn của xã Hồng Vân cũng được UBND TP. Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hồng Vân là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài Thành phố; đưa kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã.
Xã cũng tiếp tục phát huy các thế mạnh, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề. Bên cạnh đó, Hội Văn hóa – Du lịch – Làng nghề xã dưới sự hướng dẫn của Hiệp Hội Văn hóa – Du lịch – Làng nghề huyện tích cực mở rộng kết nối để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Đến nay, xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ; đầu tư cơ bản đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; các mô hình thực hiện thí điểm đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với khai thác dịch vụ, du lịch được mở rộng.
Hình ảnh du lịch làng quê Hồng Vân đã tạo sức hút đối với đông đảo du khách, trung bình hàng năm xã đã đón 3,5 vạn lượt khách, giá trị thu được từ du lịch ước đạt trên 10 tỷ đồng. Điểm du lịch Hồng Vân được Sở Du lịch Thành phố đánh giá là điểm du lịch chất lượng cao và có tiềm năng phát triển của Thành phố và từng bước đưa Hồng Vân trở thành một trong những trung tâm kết nối thương mại, dịch vụ, du lịch trong vùng và đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội chung của toàn huyện; phấn đấu đến năm 2030 huyện Thường Tín trở thành một quận, trong đó xã Hồng Vân trở thành một phường xanh; lấy kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề là kinh tế chủ lực.
Theo ông Mai Văn Ngần, trong bối cảnh kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thuần nông giá trị thấp; do ảnh hưởng của khủng hoảng, suy thoái kinh tế; hiện tượng “được mùa mất giá” đã khiến đời sống, thu nhập của đa số người nông dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn; đã xuất hiện tâm lý ngại đầu tư sản xuất, bỏ hoang đồng ruộng. Tuy nhiên, bên cạnh số đông người dân gặp khó khăn trong hướng đầu tư sản xuất thì đã có một số hộ nông dân biết kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã xác định phát triển kinh tế du lịch là hướng đi đúng đắn, tất yếu để kinh tế của xã phát triển ổn định, bền vững, thân thiện. Qua đó góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành thương mại dịch vụ, khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của xã để nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tích cực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch hiệu quả
Theo đại diện Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân, hiện Hợp tác xã có 4 sản phẩm đều được xếp hạng OCOP 4 sao, trong đó có một sản phẩm liên quan đến điểm dịch vụ, du lịch. Hợp tác xã cũng chính là nòng cốt cho phát triển du lịch của xã, vì vậy đơn vị đã rất tích cực trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ và phát triển du lịch hiệu quả.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, Thường Tín là địa phương thứ hai của Thành phố có sản phẩm tham gia OCOP về du lịch là xã Hồng Vân, với các điểm du lịch vừa đẹp, vừa giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Mô hình này không chỉ đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương mà còn góp phần lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường… đến các địa phương khác trên địa bàn TP. Hà Nội.
Với những kết quả đã đạt được, để xây dựng và phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, làng nghề trên địa bàn xã Hồng Vân giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo được tổ chức thực hiện, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, theo Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Trần Quốc Bảo, xã mong muốn Ban chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy quan tâm chỉ đạo, ưu tiên cho xã được xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng toàn diện, lấy kinh tế xanh làm chủ đạo.
Đối với huyện Thường Tín cần có chính sách, cơ chế đặc thù về xây dựng, giao thông,… để xã triển khai đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển thương mại, du lịch. Đồng thời quan tâm, lồng ghép đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ phát triển thương mại, du lịch, làng nghề của xã trong danh mục các công trình mục tiêu, trọng điểm của huyện về phát triển thương mại, du lịch, làng nghề.
Đồng thời có kế hoạch chỉ đạo kết nối thương mại, du lịch, làng nghề của xã với các điểm, cơ sở thương mại, du lịch, làng nghề của các địa phương khác trên địa bàn huyện, nhằm khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng của huyện, của xã.
Thiện Tâm
Cổng TTĐT Chính Phủ/ Trang Thủ đô Hà Nội – thanglong.chinhphu.vn