Các vùng trồng chè trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch
Chưa xứng với tiềm năng
Hợp tác xã (HTX) rau, củ, quả sạch Mạnh Liên ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông có trang trại với quy mô hơn 7.000m2 trồng các loại rau, củ, quả sạch cùng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt của Israel với số vốn đầu tư hơn bốn tỉ đồng, được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tạo được sự thích thú cho khách tham quan. Để thu hút khách, HTX không thu phí đối với du khách đến tham quan, trải nghiệm hay xem quy trình sản xuất rau, củ, quả sạch. Du khách chỉ phải trả tiền khi mua sản phẩm từ gia trại.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh – Giám đốc HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên chia sẻ: “Có tuần, vào thứ bảy và chủ nhật, gia trại tiếp đón cả trăm du khách cùng nhiều học sinh. Các sản phẩm gồm ổi, dưa lê, dưa chuột, măng tây… của HTX được công nhận OCOP đạt ba sao, được người tiêu dùng đánh giá chất lượng cao, luôn sạch, tươi, ngon. Vì thế, khi đến tham quan tại đây, hầu hết du khách đều thích thú với các sản phẩm và mua với số lượng khá lớn, nhất là khách ở các tỉnh lân cận. Do không thu phí nên việc bán sản phẩm từ rau, củ, quả là nguồn lợi chính của HTX”.
Du khách nước ngoài trải nghiệm gói bánh chưng tại điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì
Với quyết tâm xây dựng sản phẩm OCOP đầu tiên về du lịch nông thôn của tỉnh, huyện Tân Sơn đã phát triển nhiều địa điểm gắn với các hoạt động vui chơi, trải nghiệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn như: Cọn nước, đường hoa du lịch Xuân Sơn… Cuối năm 2022, sản phẩm “Du lịch cộng đồng Xuân Sơn” của Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Xuân Sơn được công nhận là OCOP đạt ba sao. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên về dịch vụ du lịch của tỉnh Phú Thọ được công nhận.
Để sản phẩm OCOP “Du lịch cộng đồng Xuân Sơn” hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, các thành viên của Tổ hợp tác xác định cần đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Xuân Sơn không chỉ thu hút được du khách đến tham quan mà nhiều bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích cũng chọn lựa Xuân Sơn làm bối cảnh quay phim.
Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới có hai sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch là “Du lịch cộng đồng Xuân Sơn” và “Du lịch cộng đồng Hùng Lô”. Khó khăn hiện nay của việc phát triển sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch được xác định là sản phẩm nông nghiệp OCOP khác quy mô nhỏ, chủ thể chưa có năng lực quản trị, còn thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, phát triển theo chuỗi, chưa quan tâm, chú trọng giới thiệu tại các điểm du lịch để cung cấp cho du khách nên chưa xứng với tiềm năng.
Đánh thức tiềm năng, lợi thế
Theo ông Vũ Quốc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phú Thọ có tiềm năng để xây dựng và liên kết các tour, tuyến du lịch từ phương thức canh tác độc đáo. Điển hình như trồng, canh tác, chế biến sản phẩm từ cây bưởi ở huyện Đoan Hùng; hồng không hạt Gia Thanh trên các thửa ruộng, đồi gò ở huyện Phù Ninh; thu hái, chế biến chè ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn; nuôi cá khu vực lòng hồ sông Đà, sông Lô… Đặc biệt, người dân bản địa luôn thân thiện, nhiệt tình, mến khách, khiến du khách ấn tượng. Đây là cơ hội lớn cho các địa phương phát triển du lịch nông nghiệp.
Sản phẩm OCOP 3 sao du lịch cộng đồng Xuân Sơn, huyện Tân Sơn được đầu tư ngày càng thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm
Trong sáu nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm dịch vụ du lịch được xem là một nhóm quan trọng, là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm địa phương hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn. Quan trọng nhất là gắn các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng tiêu biểu của địa phương với điểm du lịch và sử dụng làm sản phẩm dịch vụ để du khách mua về làm quà bởi nhu cầu của du khách hiện nay không chỉ dừng ở việc tham quan, khám phá, tìm hiểu, nghỉ dưỡng, thư giãn, học tập ở điểm đến mà mua sắm cũng là một trong những mục đích khi đi trải nghiệm.
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh hiện đang triển khai các tour đưa du khách, nhất là du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề nông nghiệp như: Làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy, mì gạo ở xã Hùng Lô, làng sản xuất và chế biến chè Đá Hen, làng nghề rau an toàn Tân Đức, làng tương truyền thống Dục Mỹ, làng nghề nón lá Gia Thanh, làng nghề đan lát Đỗ Xuyên…
Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai tour du lịch học đường “Hướng về nguồn cội” cho học sinh gồm các hoạt động hấp dẫn như: Tham quan Bảo tàng Hùng Vương, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, thưởng thức show diễn nghệ thuật “Hùng Vương truyện cổ” hoặc xem chương trình múa rối nước… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức cho du khách tham quan vườn bưởi Đoan Hùng, trải nghiệm thu hoạch bưởi, làm tinh dầu bưởi, mứt bưởi; trải nghiệm hái chè, chế biến chè từ đồi chè Long Cốc…
Thực tế, tỉnh ta còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng cần có những chính sách phù hợp. Trước tiên, các chủ thể cần chủ động đăng ký phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hoặc du lịch khám phá. Với địa điểm du lịch, cần xây dựng những gian hàng OCOP tại các khuôn viên, đảm bảo không được phá vỡ cấu trúc, không ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn.
Nhân viên bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch cần được đào tạo và quảng bá, tuyên truyền thông tin OCOP đến với khách hàng một cách thân thiện, nhiệt tình, chuyên nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Bên cạnh đó, các cơ quan xúc tiến thương mại, ban quản lý các điểm du lịch, cần đưa ra chính sách hợp lý để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh sản phẩm OCOP với các sản phẩm khác trên thị trường.