Bắc Ninh: Định hình sản phẩm OCOP du lịch

OCOP du lịch là sản phẩm thuộc nhóm “dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng” trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Phát triển sản phẩm OCOP du lịch không những giúp người dân các địa phương hưởng lợi mà còn là hình thức quảng bá hữu hiệu, hình ảnh văn hóa, con người một cách gần gũi và chân thực nhất đến du khách.

Hiện nay, Bắc Ninh đang triển khai thí điểm 3 sản phẩm OCOP du lịch, phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại làng Quan họ cổ Viêm Xá, phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh), làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ) và làng tranh Đông Hồ (thị xã Thuận Thành).   

Làng Quan họ cổ Viêm Xá thuộc phường Hòa Long, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 6km, điều kiện giao thông thuận lợi. Nơi đây có nhiều điểm đến độc đáo như đền thờ Vua Bà Thủy tổ Quan họ, có đền Cùng giếng Ngọc, có đình Diềm với bộ cửa võng trứ danh được công nhận là Bảo vật Quốc gia, có Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh với kiến trúc độc đáo. Làng Diềm còn được kết nối với các địa điểm check in, dã ngoại dọc đê sông Cầu, cây cô đơn… và nhiều điểm văn hóa tín ngưỡng tâm linh đặc sắc của vùng Kinh Bắc. Thế mạnh của làng Diềm là người dân nơi đây có duyên, có kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng từ nhiều năm về trước. Sự cởi mở, chân tình của người dân nơi đây tạo thiện cảm tốt đẹp với khách du lịch.

Phù Lãng là một làng gốm cổ có lịch sử hàng trăm năm với phong phú mẫu mã sản phẩm gốm men da lươn đặc sắc. Đặc biệt, gốm Phù Lãng được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Hiện nay nhiều hộ dân làm nghề vẫn dùng củi để nung, với sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp độc đáo trên bề mặt sản phẩm gốm mà không phương pháp nào thay thế được. Phù Lãng còn có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục đường các tour du lịch đi Quảng Ninh, do đó trên hành trình du lịch, có nhiều đoàn khách ghé vào tham quan, trải nghiệm.


Học sinh tham quan, thực hành ký họa tại làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ).

Làng tranh Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) từ lâu đã trở thành điểm đến nổi tiếng của Bắc Ninh, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu. Đáng chú ý, sau khi Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ được tỉnh đầu tư và đưa vào sử dụng đã thường xuyên tổ chức phong phú hoạt động văn hóa, trải nghiệm, diễn xướng các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Hát Dân ca Quan họ, Múa rối nước, diễn chèo, tuồng, hát trống quân… mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn. Gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức tái hiện không gian chợ tranh Đông Hồ với hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán, cả khu vực đình làng rực rỡ sắc màu, tranh trải trên chiếu, tranh vắt trên tường, tranh treo trên dây… tạo ra không khí phiên chợ tranh tấp nập người mua kẻ bán… Đây là một nỗ lực nhằm ngược dòng thời gian, làm sống lại ký ức cha ông, tỏa sáng giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch mới, gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Rà soát tiến độ thực hiện Đề án thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 – 2025, tháng 11/2023, UBND tỉnh có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn, phối hợp hướng dẫn thành lập Hợp tác xã OCOP du lịch tại Hòa Long, Phù Lãng và Song Hồ; tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh theo Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm của tỉnh.

Theo giới chuyên môn, để sản phẩm OCOP du lịch đạt hiệu quả bền vững, định vị điểm đến, tạo nét khác biệt, thu hút du khách, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương có sự phối hợp đồng bộ. Mỗi hợp tác xã OCOP du lịch cần chú ý gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương để có thể kể những “câu chuyện” riêng cho sản phẩm du lịch OCOP của địa phương mình; thiết kế tour phù hợp với nhu cầu, sở thích và điều kiện thời gian của từng nhóm du khách khác nhau…

Song song với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về định hướng phát triển du lịch cộng đồng, mỗi điểm đến cần hình thành các nhóm chức năng như: Nhóm đón tiếp và hướng dẫn du khách đến các địa điểm tham quan, thuyết minh, giới thiệu đặc điểm văn hóa truyền thống, nền nếp sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương; nhóm chuẩn bị ẩm thực có kỹ năng chế biến nông sản, món ăn đặc trưng, bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; nhóm biểu diễn văn nghệ; nhóm sản xuất hàng thủ công gốm, tranh là những nghệ nhân, thợ giỏi, tạo ra các sản phẩm quà tặng du lịch ý nghĩa, tiêu biểu của mỗi điểm đến…

Sau khi tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Bắc Ninh, đại diện nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đều nhận thấy dư địa phát triển OCOP du lịch của Bắc Ninh rất dồi dào, nếu phát triển thêm các dịch vụ, không gian trải nghiệm, không gian vui chơi giải trí dành cho khách thì việc giữ chân, thu hút khách du lịch lưu trú qua đêm ở Bắc Ninh không khó. Giải pháp được một số doanh nghiệp du lịch gợi mở là tăng cường hợp tác công-tư để thu hút khách; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, tạo không gian cảnh quan, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá; tạo ra nhiều sản phẩm quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa Bắc Ninh; thiết kế và kết nối tour, tuyến, điểm du lịch phù hợp với từng đối tượng du khách…  

Khẳng định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp muốn phát triển phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, PGS.TS Dương Văn Sáu, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa đánh giá: Là vùng đất văn hiến với nguồn tài nguyên di sản văn hóa đặc sắc nhưng du lịch Bắc Ninh mới đang trong giai đoạn bắt đầu phát triển. Tôi tin, với một vùng đất chứa đựng những vầng hào quang di sản văn hóa như Bắc Ninh nếu được khai thác, phát huy đúng cách, chắc chắn du lịch của tỉnh sẽ hấp dẫn được đa dạng đối tượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi đó Bắc Ninh sẽ là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

V.Thanh
Báo Bắc Ninh – baobacninh.com.vn