Hồ Hòa Bình có diện tích mặt hồ khoảng 20.800 ha, phần diện tích thuộc Hòa Bình khoảng 8.900 ha. Từ khi hồ thủy điện Sơn La được xây dựng ở thượng lưu, dung tích hồ Hòa Bình tăng từ 9,45 tỷ m3 lên 9,862 tỷ m3 , phần diện tích hồ thuộc địa phận Hòa Bình tăng lên 11.900 ha. Hồ Hòa Bình có tiềm năng để phát triển thủy sản rất lớn. Hồ có nhiều eo ngách, dạng hình sông, diện tích các eo ngách lớn nên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa lớn.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (2019). Sức tải môi trường của Hồ Hòa Bình được tính toán, đánh giá theo nitơ tổng số (TN) như sau: Sức tải môi trường (EC) mùa khô của TN là 37.955 kg/ngày, mùa mưa TN là 40.042 kg/ngày. Với mức phát thải trung bình (PLtb) hiện nay, tỷ lệ đạt tải tương ứng của TN là 28,4% và 26,9%. Trong nuôi trồng thủy sản để đảm bảo hệ số nuôi bền vững thì tỷ lệ của các thông số phát thải phải nhỏ hơn 70% so với sức tải môi trường. Đánh giá tiềm năng của hồ đề án lựa chọn tỷ lệ phát thải theo nitơ tổng số TN là 60% là hệ số bền vững, do vậy để đạt ngưỡng phát thải này, lượng phát thải mùa khô của TN sẽ là 22.773 kg/ngày, mùa mưa TN là 24.025 kg/ngày. Từ kết quả trên lấy giá trị của lượng phát thải mức 60% trừ đi lượng phát thải hiện tại để có được lượng phát thải được phép đổ vào hồ. Sức tải môi trường hiện tại vào mùa khô đối với TN là 11,992 kg/ngày và mùa mưa TN là 13,244 kg/ngày. Sản lượng cá có thể sản xuất theo sức tải môi trường của TN mùa khô là: 18.034 tấn/năm, mùa mưa là 19.917 tấn/năm. Sản lượng nuôi cá tính trên đơn vị diện tích theo sức tải môi trường của TN mùa khô là: 2,2 tấn/ha, mùa mưa là 2,5 tấn/ha. Tổng diện tích hồ Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khoảng 11.900 ha nên sản lượng nuôi hàng năm có thể đạt 26.000 – 30.000 tấn. Lồng nuôi hiện nay chủ yếu sử dụng lồng vuông kích cỡ 6 ´ 6 ´ 3 m, sản lượng nuôi 2.700 kg/ lồng. Do đó, số lượng lồng nuôi tối đa trên hồ từ 10.000 – 12.000 lồng nuôi.
Năm 2016, Hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đến năm 2030, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đóng vai trò quan trọng trong du lịch tỉnh, năm 2019 lượng khách du lịch đến Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình là 550 nghìn lượt chiếm gần 17,7% lượng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình; tổng thu từ khách du lịch là 160 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng thu từ khách du lịch của toàn tỉnh.
Trong thời gian qua, đã có nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, đã được UBND tỉnh thông qua chủ trương, cho phép đầu tư, trong đó có một số dự án như: Dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson: Đảo Sung, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc; Dự án Khu du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên đảo Ngọc – Hồ Sông Đà tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong; Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc; Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc; Khu du lịch sinh thái V’Star – Ngòi Hoa tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc…
Nắm bắt được xu hướng, nhu cầu của khách du lịch khi đến hồ Hòa Bình là thăm quan công trình Nhà máy thủy điện, vui chơi giải trí trên mặt nước, du lịch tâm linh, tham gia lễ hội văn hóa truyền thống, thăm quan ngắm cảnh hồ, thăm quan làng nghề, tìm hiểu văn hóa bản địa, thưởng thức ẩm thực địa phương, mua sắm sản vật và tham gia hoạt động từ thiện…nhiều hộ dân đã phát triển mô hình nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tổng hợp, hiện có khoảng trên 20 hộ nuôi trồng thủy trên hồ Hòa Bình đã đăng ký loại hình hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái. Các hộ dân đã chủ động kết hợp vừa nuôi cá, vừa đầu tư thuyền du lịch để phục vụ dịch vụ đưa đón khách vào các điểm tham quan trong quần thể khu du lịch Hồ Hòa Bình. Du khách ngoài việc được tham quan cảnh đẹp hồ thủy điện Hòa Bình còn được thăm quan các nhà bè nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương trong đánh bắt thủy sản (câu cá, kéo lưới, kéo vó..), học tập, trải nghiệm nuôi trồng thủy sản, thưởng thức ẩm thực, các món ăn chế biến từ sản phẩm thủy sản..tạo ra sản phẩm du lịch mới, lạ, độc đáo thu hút khách du lịch, đáp ứng nhu cầu khác nhau của du khách, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển và làm gia tăng giá trị sản xuất thủy sản, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, tạo ra việc làm, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân so với sản xuất thủy sản thuần túy, góp phần phát triển thủy sản Hồ Hòa Bình bền vững.
Do đó, việc phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với kinh doanh, dịch vụ, du lịch trên lồng, bè như tham quan, học tập, câu cá giải trí, trải nghiệm về nuôi thủy sản là hướng đi phù hợp, tạo liên kết giữa phát triển sản xuất thủy sản với du lịch, hình thành sản phẩm du lịch mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển bền vững sản xuất thủy sản. Theo đó, cần có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách; quản lý tổ chức sản xuất thủy sản gắn với du lịch; chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ; quản lý môi trường, dịch bệnh; chế biến, thị trường và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với du lịch…/.