Đại biểu tham gia lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, các chuyên gia đã hướng dẫn cho các đại biểu về cách thức phát triển sản phẩm OCOP đang có và các sản phẩm mới bằng cách phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu địa phương; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến, mẫu mã, bao bì sản phẩm; trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã; công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ; xây dựng và hình thành các điểm đến du lịch quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP.
Các chuyên gia cũng nêu ra những khó khăn đối với các HTX, chủ thể OCOP đang gặp phải như: số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; các chủ thể chưa chủ động tham gia OCOP; chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm; công tác xúc tiến thương mại còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Các chuyên gia đã gợi mở các giải pháp để phát triển sản phẩm đang có và các sản phẩm mới như: cách thức xây dựng câu chuyện sản phẩm; thay đổi tư duy, nhận thức của chủ thể; phát triển bao bì sản phẩm; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm OCOP; các cán bộ quản lý cần hướng dẫn, đồng hành cùng chủ thể để xác định và tạo kế hoạch, lựa chọn, xây dựng sản phẩm điển hình cho địa phương.
Tại lớp tập huấn, các chuyên gia còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của Chương trình OCOP. Theo đó, Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu và theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, nhất là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, ở các vùng miền. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò của cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP.