Suối Giàng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với giáo dục thông qua chương trình “Sống như người bản địa”

(TITC) – Mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp với giáo dục là hình thức kết hợp giữa du lịch trải nghiệm cuộc sống ở vùng quê với học tập, thư giãn, đưa các em học sinh đến gần hơn với thiên nhiên, để các em được vui chơi, khám phá kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tập quán, phong tục và thói quen của người bản địa. 

Đây cũng là cơ hội để các em hoàn thiện kỹ năng sống của bản thân, thích ứng với thiên nhiên, tự tin thể hiện bản thân và mang đến cho các em những chuyến đi bổ ích và lý thú. Đó là mô hình du lịch do người dân ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đang tổ chức thành công trong thời gian gần đây.

Tiềm năng phát triển du lịch của Suối Giàng

Suối Giàng là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm cách trung tâm huyện Văn Chấn khoảng 12 km về phía Bắc, với diện tích tự nhiên là 5.922 héc-ta, bao gồm 4 tộc người cùng cư trú là người Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó người Mông chiếm 98,5% dân số, còn lại các dân tộc khác chiếm gần 2%. Do vậy, các giá trị văn hoá dân gian truyền thống của đồng bào Mông nơi đây còn lưu giữ được nhiều yếu tố cổ truyền độc đáo.

Suối Giàng nằm ở độ cao trên 1.371 mét so với mực nước biển nên nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình thường thấp hơn khu vực huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ. Một ngày sống ở Suối Giàng, du khách có thể cảm nhận rõ thời tiết bốn mùa trong năm. Ban đêm, trời se lạnh; sáng ra, mây mờ che phủ bồng bềnh khắp các bản làng, sườn núi; buổi trưa, trời trong xanh, lộng gió và buổi chiều, nắng vàng trải dài như tơ lụa. Bởi thế, khí hậu ở Suối Giàng có thể sánh với Sa Pa, Đà Lạt.

Không chỉ có khí hậu mát mẻ, đến Suối Giàng, du khách còn được thưởng thức trà Shan tuyết hái từ những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông, phủ một lớp áo trắng mờ trên búp chè săn chắc nên được gọi là chè tuyết. Mọi người vẫn bảo đây là loại chè “năm cực”: “cực khổ” – khi trồng và thu hái; “cực sạch” – vì điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” – vì sản lượng ít, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ thu hái được chừng 200 tấn chè búp; “cực ngon” – với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén nước trà phải có: Hương thơm, vị đậm, nước xanh và vì thế nên “cực đắt”… Chè Shan tuyết Suối Giàng rất độc đáo. Trong bát nước chè xanh có đủ mười tám vị ngon hàng đầu của các loại chè đẳng cấp trên thế giới: Có hương thơm thanh khiết, có cái thanh tao của văn nhân, nghệ sĩ nhưng lại có nét dân dã, bình dị của người dân miền sơn cước chất phác, đôn hậu và mến khách. Chính từ những rừng chè độc nhất vô nhị ấy đã tỏa một sức hấp dẫn đặc biệt với du khách và là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho giới văn nghệ sĩ.

Ngoài những đồi chè, Suối Giàng còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang cong cong theo vạt núi, phóng tầm mắt xuống biển lúa vàng óng vùng Mường Lò, vựa lúa lớn thứ hai ở vùng Tây Bắc và một thị xã Nghĩa Lộ đầy năng động. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên là những nét văn hóa độc đáo của người Mông, người Dao, người Thái còn được bảo tồn ở Văn Chấn.

Du khách đến đây không chỉ phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú mà còn được hái chè, sao chè rồi ngồi uống chè với những cô gái người Mông mến khách, hoặc cùng chiêm nghiệm và hòa vào không khí bí ẩn, linh thiêng trong Lễ cấp sắc của người Dao, rộn ràng trong những ngày hội xuân, ấm áp trong Lễ mừng cơm mới của người Thái…

Khi đến với Suối Giàng, du khách còn có thêm rất nhiều trải nghiệm khi tới thăm quan các điểm như: động Thiên Cung, rừng nguyên sinh Cốc Tình, rừng Trúc Mao, vườn trà Vương Quốc Trà… và đặc biệt là Không gian văn hóa trà Suối Giàng và Nahi Village, ngôi làng hạnh phúc. 

Mô hình phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp với giáo dục ở Suối Giàng

Với những gì đang có, Suối Giàng là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp với giáo dục. Nắm bắt được cơ hội đó, từ năm 2021 anh Đào Đức Hiếu – chủ Không gian văn hóa trà Suối Giàng và Nahi Village ngôi làng hạnh phúc, tại thôn Pang Cáng đã tiên phong triển khai hoạt động trải nghiệm kết hợp học tập cho các bạn nhỏ dưới dạng một tour du lịch. Tour có tên gọi là “Sống như người bản địa” dành cho các bạn trẻ có độ tuổi từ 10-16 tuổi, tổ chức từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, đây là khoảng thời gian các bạn học sinh đang được nghỉ hè.

Chuyến du lịch diễn ra trong 3 ngày, 2 đêm bao gồm dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại kết hợp các hoạt động vui chơi. Tham gia chương trình, các bạn nhỏ sẽ được trải nghiệm làm canh nông, giao lưu, học hỏi chia sẻ kỹ năng học tập, lao động cùng người bản địa, thăm các bản làng xem các hoạt động đời sống hàng ngày của đồng bào người Mông, hái chè, làm chè thủ công, chơi trò chơi dân gian và thưởng thức những món ăn địa phương… 

Em Nguyễn Tuấn Anh đến từ thành phố Hà Nội là thành viên tham gia tour “Sống như người bản địa” chia sẻ: “Lớn lên ở thành phố, em chưa từng được chơi những trò chơi dân gian, nói chuyện với những bạn nhỏ người Mông, được đốt lửa trại… Qua một người bạn, em biết đến tour du lịch này, em đã xin phép bố mẹ tham gia. Trong chuyến đi, em được thấy cây chè cổ thụ trăm năm tuổi, hái chè, làm chè thủ công, chơi những trò chơi dân gian và thưởng thức những món ăn địa phương, mang về những sản phẩm độc đáo do chính tay mình làm tặng người thân yêu. Từ những hoạt động trải nghiệm tại Suối Giàng, em cũng không sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử. Em có thêm kiến thức để vận dụng vào học tập, cuộc sống và tập cách sống tự lập”. 

Chuyến trải nghiệm đã có nhiều thay đổi tích cực đến với các em nhỏ. Chị Lê Huyền Trang – phụ huynh của em Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Theo tôi, hãy để trẻ thật sự có một kỳ nghỉ hè đáng nhớ, nhiều kỷ niệm, học được nhiều điều từ thực tế của cuộc sống! Chính vì thế, tôi cho con tham gia chuyến đi này. Con thích thú, vui vẻ kể cho cả gia đình về những trải nghiệm mới mẻ. Ngoài ra, tôi thấy con tự lập hơn trong sinh hoạt cá nhân. Con hứa chăm ngoan, học tập tốt để năm sau sẽ tiếp tục được tham gia du lịch hè bổ ích nữa”. 

Hiện tại, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, tour “Sống như người bản địa” đã đón hàng nghìn lượt học sinh đến nghỉ dưỡng, tham quan và có những trải nghiệm đáng nhớ tại Suối Giàng. 

Suối Giàng với cảnh đẹp thiên nhiên và văn hóa bản địa phong phú là địa chỉ thú vị, rất phù hợp để phát triển du lịch. Việc phối hợp giữa giáo dục và du lịch nông nghiệp sẽ là hướng đi hiệu quả, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Một số hình ảnh tại Lễ hội tôn vinh cây chè tổ Suối Giàng năm 2023:

Trung tâm Thông tin du lịch