Gia đình ông Nguyễn Văn Hiển ở khu Đông Anh 3 đã gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm hơn 30 năm nay. Với gia đình ông gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm một phần gìn giữ nghề truyền thống của gia đình đồng thời, mảnh đất mới này thuận lợi với cây dâu, con tằm, giúp người nông dân sống được với tằm. Suốt nhiều năm dài, dù nhiều lúc nghề dâu tằm thăng trầm, gia đình ông Hiển cũng như bà con Đông Anh chưa bao giờ bỏ quên con tằm. Ông Hiển chia sẻ: “Bà con Đông Anh chủ yếu từng gắn bó với trại thực nghiệm tằm bên Mê Linh, từ lúc vùng kinh tế mới được thành lập. Từ năm 1984 tới giờ, trồng dâu, nuôi tằm vẫn được người dân Đông Anh duy trì, kể cả thời điểm khó khăn nhất cho tới hiện tại”.
Có thể nói, sau rất nhiều năm gắn bó với nghề “ăn cơm đứng”, cư dân Đông Anh chưa bao giờ cảm thấy phấn khởi như vài năm trở lại đây. Giá kén ổn định ở mức cao, từ 180 – 230 ngàn đồng/kg giúp thu nhập của bà con tăng, đời sống ngày càng khá giả. Hộ nuôi nhiều như gia đình ông Hiển, bình quân trên 7 sào dâu, mỗi đợt, gia đình ông Hiển nuôi được 4 hộp tằm con và thu được khoảng 2 tạ kén, cho thu nhập từ khoảng 40 đến 50 triệu đồng/tháng. Nhà ít có 1-2 sào dâu, nuôi gối đầu cũng có thể cho thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Chiến – Tổ trưởng Tổ trồng dâu, nuôi tằm Đông Anh 3 cho biết, trên địa bàn thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà có 2 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm được công nhận từ năm 2015. Đó là làng nghề dâu tằm Đông Anh 3 và Đông Anh 5 với hơn 110 thành viên tham gia, với diện tích trên 23 ha. Bà con đều là những người có kinh nghiệm từ khi trại thực nghiệm tằm hoạt động trên vùng kinh tế mới. Vì vậy, kỹ thuật canh tác dâu, kỹ thuật chăm sóc con tằm của người dân Đông Anh đều rất tốt. Ông Chiến tự hào, hầu như những kỹ thuật mới trong trồng dâu, nuôi tằm đều xuất phát từ Đông Anh. Ông kể, từ nuôi tằm sàn xi măng, nuôi tằm trên giá sắt căng lưới, trồng dâu cao sản S7-CB, VA-06 đều được thử nghiệm từ Đông Anh và lan ra rộng rãi, tạo nên sự thay đổi cho bộ mặt làng tằm. Ông cũng bảo, cây dâu, con tằm đã mang lại no ấm cho người dân Đông Anh. “Người nông dân cũng chỉ trồng cây này, nuôi con kia quanh năm. Tính kỹ, không có trồng cây nào, nuôi con gì cho thu nhanh như con tằm, cây dâu. Dâu trồng 3 tháng có thu, tằm nuôi 17 ngày là có kén, vì vậy mà dù đất canh tác ít, người dân Đông Anh vẫn no ấm nhờ dâu tằm”.
Không chỉ trồng dâu, nuôi tằm, trên địa bàn thị trấn có 5 cơ sở ươm tơ dệt lụa, thu mua hết lượng kén của nông dân với giá rất tốt. Những công ty xe tơ, dệt lụa như Cường Hoàn, Bá Minh, Huy Vạn Hạnh… đã đóng vai trò nguồn tiêu thụ ổn định cho nông dân từ nhiều năm qua. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các liên kết trồng dâu, nuôi tằm – bao tiêu kén giữa người nông dân và doanh nghiệp, giúp mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân cũng như nguồn cung kén ổn định phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là những doanh nghiệp xuất khẩu tơ se uy tín, mang lại nguồn ngoại tệ quý cho kinh tế địa phương. Chính sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã góp phần gìn giữ nghề truyền thống của bà con.
Đặc biệt, việc duy trì mô hình này trong những năm qua không chỉ gắn kết cộng đồng, giữ gìn văn hóa mà nó còn giúp người dân làng nghề thuận lợi hơn trong sản xuất và phát triển nghề tằm. Trên 100 hộ cùng nghề trồng dâu, nuôi tằm đã tạo nên một cộng đồng gắn kết, cùng chia sẻ lợi ích và những hoạt động hỗ trợ cho nghề dâu tằm phát triển. Người làng nghề vẫn mong mang thương hiệu dâu tằm đến với đông đảo người tiêu dùng, vẫn mong khách du lịch biết con tằm ăn rỗi ra sao, chiếc khăn lụa được ra đời như thế nào. Trong kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 – 2030, hai làng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh và có sự lan tỏa. Cùng với sự nỗ lực của mỗi người dân làng nghề, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, hi vọng trong tương lai, làng nghề dâu tằm sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Đà Lạt – Lâm Hà.
Diệp Quỳnh
Báo Lâm Đồng Online – baolamdong.vn