Toàn tỉnh hiện duy trì 97 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể được đánh giá, phân hạng, trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao. Các cấp, ngành, đơn vị chức năng có nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể thiết kế mẫu mã, bao bì, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, xây dựng Website và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại…
Sản phẩm Gạo Nếp Pì Pất Cao Bằng và Bún Khô Cao Bằng của HTX nông nghiệp 3 sạch Hưng Đạo, xóm Ngọc Quyến, xã Hưng Đạo (Thành phố) được công nhận sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh
Nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày tại các điểm bán hàng gắn với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, một số sản phẩm được đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Trong đó, 100% chủ thể OCOP là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, doanh nghiệp (37/37 đơn vị) tham gia hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch THĐT (bao gồm cả mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch THĐT) như: Lazada, Tiki, Postmart, Voso, Shopee, Facebook, Zalo… tham gia cổng THĐT; 90% chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh (27/30 hộ sản xuất, kinh doanh) tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các sàn giao dịch THĐT.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nông Văn Khương cho biết: Để gắn kết với thị trường, Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để có thể xây dựng chiến lược phát triển bền vững và đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng. Thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương và các tỉnh, thành phố, ứng dụng THĐT để giới thiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tạo điều kiện cho 40 lượt doanh nghiệp, HTX là các chủ thể có sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia 9 hội chợ, chương trình kết nối cung cầu tại Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Lai Châu, Ninh Bình, Phú Thọ…
Tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên Internet và 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức 22 lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng ứng dụng THĐT cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện: Thạch An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Trùng Khánh. Hỗ trợ kỹ thuật, tuyên truyền thông qua các hình thức tư vấn về kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; kết nối tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT; hỗ trợ đăng ký tài khoản, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT… để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân ứng dụng THĐT vào quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc hữu của địa phương thông qua một số sàn TMĐT như: Caobangtrade.vn, Voso, Sendo, Shoppe, Lazada, Tiki… Đến nay, đã có gần 120 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có mặt trên nền tảng THĐT.
Sở Công thương quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, được thị trường ngoài tỉnh đón nhận, phân phối tại nhiều hệ thống siêu thị lớn tại các tỉnh, thành phố trong nước và đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Lạp sườn, thịt hun khói của HTX Tâm Hòa được phân phối tại chuỗi các siêu thị Big C, AEON, VinMart, LOTTE Mart, cửa hàng đại lý của HTX tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang và một số đầu mối phân phối khác tại các tỉnh phía Bắc. Bún khô của Cơ sở sản xuất bún khô Cao Tuyền được phân phối tại Cao Bằng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc thông qua các nhà phân phối và được gia công xuất khẩu sang các thị trướng Úc, Hàn Quốc.
Sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh của Hợp tác xã nông nghiệp ba sạch Hưng Đạo (Thành phố) tham gia hội chợ tại thành phố Lạng Sơn
Giám đốc HTX nông nghiệp ba sạch Hưng Đạo, xóm Ngọc Quyến, xã Hưng Đạo Lại Đức Thứ chia sẻ: HTX hiện có 9 thành viên với gần 800 hộ liên kết. HTX có 6 sản phẩm: bún ngô, bún cẩm, bún gấc, bún gạo lứt, bún khô, gạo nếp Pì Pất Cao Bằng đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ban đầu, HTX gặp nhiều khó khăn trong việc đưa các sản phẩm tiếp cận thị trường do số lượng hạn chế, sản xuất thủ công, thiếu phương tiện vận chuyển, chưa biết cách quảng bá sản phẩm, chưa xác định được nhóm khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng nên số lượng sản phẩm bán ra còn hạn chế. Xác định tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm là việc làm cần thiết, vì vậy các thành viên HTX họp bàn thống nhất lựa chọn các sản phẩm bún khô, miến dong, đỗ các loại, nấm hương, gạo nếp… đưa lên sàn TMĐT để bán buôn, bán lẻ như: Lazada, Shopee, Postmark, Voso, Amazon, 24/7… Thông qua sàn TMĐT, HTX kết nối tiêu thụ sản phẩm với nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, ký hợp đồng tiêu thụ với siêu thị trong và ngoài tỉnh và có sản phẩm được bán trên một số sàn TMĐT. Việc ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng mạng xã hội, xây dựng website bán hàng, tham gia các sàn giao dịch TMĐT giúp HTX “rộng cửa” để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Thanh Mẫn cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn của việc phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, đưa sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường trong, ngoài tỉnh và hướng tới thị trường nước ngoài, ngành nông nghiệp đề xuất tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển sâu rộng và đồng bộ; đặc biệt chú trọng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu đến thị trường trong và ngoài nước; hướng tới tìm kiếm thị trường tiềm năng thông qua các hoạt động, như tổ chức, tham gia các sự kiện lễ hội, hội chợ, chợ phiên… Xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa tỉnh, hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống phân phối trên các sàn TMĐT uy tín để các nhà sản xuất, đối tác kết nối, đặt hàng, giúp cho việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh được thuận tiện hơn. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp, chủ thể; phát huy thế mạnh của sàn giao dịch TMĐT.
Nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, tỉnh tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu về chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Hướng dẫn các chủ thể OCOP về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP. Tổ chức các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về phát triển sản phẩm OCOP gắn với đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì sản phẩm nâng tầm giá trị…
Tiến Mạnh
Báo Cao Bằng – baocaobang.vn