Bạc Liêu học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng NTM tại tỉnh Lâm Đồng

Ngày 25/10, Đoàn cán bộ tỉnh Bạc Liêu do ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng về các mô hình trong Chương trình phát triển du lịch cộng đồng, các mô hình nông nghiệp thông minh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng (NTM). Tiếp và làm với đoàn có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – Phạm S trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng NTM.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thế mạnh của địa phương này là phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ và du lịch. Tổng thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 886,7 triệu USD/năm. Trong đó, nông sản xuất khẩu đạt khoảng 432 triệu USD/năm.

Về phát triển du lịch nông thôn, tỉnh rất quan tâm khuyến khích và đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng gắn với xây dựng NTM. Theo đó, tỉnh nâng cấp các điểm du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố; đồng thời triển khai xây dựng 20 mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, cộng đồng có trách nhiệm và bền vững. Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái của địa phương. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng còn xây dựng mô hình chuỗi liên kết du lịch…


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu – Lê Tấn Cận phát biểu tại buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Lâm Đồng.

Về sản xuất, toàn tỉnh có 65.300ha đáp ứng các tiêu chí sản xuất công nghệ cao, 8 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận. Tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP… đạt 5.886ha. Trong đó, rau 3.060ha, chè 637ha, cây ăn quả 1.241ha, còn lại là lúa, dược liệu, cà phê, tiêu. Áp dụng VietGAHP trong chăn nuôi, quy trình chăn nuôi tốt theo VietGAP, chứng nhận Organic… Toàn tỉnh có 223 chuỗi liên kết với hơn 30.000 hộ dân và hơn 200 doanh nghiệp, HTX tham gia. Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt gần 52.000ha với sản lượng gần 530.000 tấn. Nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… Giá trị sản xuất bình quân năm đạt trên 234 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 460triệu đồng/ha. Riêng giá trị sản xuất rau ứng dụng công nghệ thông minh đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm, sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3 – 5 tỷ đồng/ha/năm.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Lê Tấn Cận tham quan mô hình trồng cà bi trong nhà màng của Công ty TNHH Việt Farm (Phường 9, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Về xây dựng NTM, toàn tỉnh Lâm Đồng có 107/111 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 96,33%. Trong đó, có 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Về cấp huyện có 7/12 huyện/thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh có 236 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao. Trong đó, 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, 94 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại đạt 3 sao…


Đoàn cán bộ tỉnh Bạc Liêu tham quan khâu thu hoạch nông sản tại Công ty TNHH Việt Farm (Phường 9, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn cán bộ tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Tỉnh Lâm Đồng xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, tỉnh nỗ lực đưa Lâm Đồng trở thành lá cờ đầu của khu vực Tây nguyên trong xây dựng NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỉnh Lâm Đồng có 111/111 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%), 48/48 xã NTM nâng cao (đạt 100%); có 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 100%), có 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến năm 2025 có 2 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Đơn Dương và Đạ Tẻh) và tỉnh Lâm Đồng về đích tỉnh NTM. Phấn đấu toàn tỉnh có 250 sản phẩm OCOP, trong đó có 230 sản phẩm cấp tỉnh (đạt 4 sao), 20 sản phẩm cấp quốc gia (5 sao)…

Trước đó, Đoàn cán bộ tỉnh Bạc Liêu đã tham quan thực tế mô hình trồng rau – củ – quả trong nhà màng của Công ty TNHH Việt Farm (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) từ khâu trồng, thu hoạch, đến khâu bao tiêu, thu mua và đóng gói xuất bán; tham quan khu trưng bày các sản phẩm OCOP chế biến từ hoa actisô của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng LADOPHAR.


Tham quan điểm trưng bày sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng LADOPHAR.

Phát biểu tại các nơi tham quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu – Lê Tấn Cận giao Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh nghiên cứu xem giống rau, quả nào phù hợp với Bạc Liêu thì đưa về trồng thí điểm tại tỉnh. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành tỉnh Bạc Liêu cần liên kết chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng trong kết nối cung – cầu, mong muốn các sản phẩm OCOP của 2 tỉnh được giao lưu, trao đổi trong thời gian tới…

Tin, ảnh: M.Đ
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn