Lâm Đồng: Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Việc bảo tồn các làng nghề truyền thống tại các thôn buôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được tỉnh Lâm Đồng tích cực triển khai nhằm khai thác phát huy thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 32 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống thời gian qua tại các thôn, buôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được địa phương duy trì thường xuyên nhằm phát huy thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt thời gian qua, địa phương còn triển khai các đề án bảo tồn, đầu tư khôi phục gắn với phát triển du lịch một số làng nghề như: Nghề dệt thô cẩm Đam Pao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, nghề đúc nhẫn bạc của người Chu Ru xã Tu Tra, nghề gốm K Răng Gọ, huyện Đơn Dương, làng nghề đan lát, rượu cần, dệt thổ cẩm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cùng với nhiều nguồn lực khác, năm 2023, tỉnh Lâm Đồng còn bố trí gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, với mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Lâm Đồng phấn đấu sẽ có từ 1-2 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề và môi trường sinh thái; 1 mô hình “Nông thôn năng động – Cộng đồng sáng tạo – Di sản gắn kết”./.

Hoàng Ái
lamdongtv.vn