Đắk Nông: Hành trình làm nên thương hiệu OCOP 4 sao từ vùng đất núi lửa

Để sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường, niềm tin của người tiêu dùng là cả quá trình đầu tư lâu dài của chủ thể và câu chuyện xây dựng thương hiệu gắn với vùng đất núi lửa ở Đắk Nông.

Những tinh hoa từ vùng đất núi lửa

Dưới chân núi lửa Nâm Kar, xã Quảng Phú (Krông Nô) có một vườn trái ngọt hiện hữu, mang nhiều điều khác biệt không nơi nào có được. Chị Nguyễn Thị Mai là chủ nhân của khu vườn có 2 sản phẩm OCOP 4 sao quýt đường núi lửa và cam sành núi lửa này. Theo chị Mai, vùng đất này không chịu tác động của con người nên sạch, tự nhiên, phù hợp cho việc phát triển cây trồng hữu cơ. Chúng tươi tốt một cách kỳ lạ dù không được tưới, bón bất cứ loại phân hoá học nào.

Thay vì dùng thuốc để diệt cỏ, chị sẽ nuôi cỏ giúp cây trồng giữ ẩm và khi cỏ chết đi tạo lớp mùn để nuôi lại cây trồng. Chị hoàn toàn dùng phân hữu cơ vi sinh và các loại thuốc được điều chế từ tỏi, gừng, ớt, sả, quế, đương quy… để chăm sóc cây trồng. Để tạo độ ngọt cho cam, quýt, chị sử dụng quả đu đủ, chuối ủ lên men làm phân bón. Hấp thụ dưỡng chất từ nham thạch núi lửa, cam quýt khi chín có độ ngọt dịu rất khác biệt.


Vườn trái cây của HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú được trồng theo hướng thuận tự nhiên

Bên dòng sông Krông Nô, dưới chân núi lửa Nâm Blang có một cánh đồng lúa thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô) rộng đến hơn 750 ha. Nhờ những đặc điểm thổ nhưỡng đặc biệt mà cánh đồng này cho ra loại gạo ST24 có hương vị khác biệt hơn bất cứ các loại gạo khác. Nơi đây là vùng bãi bồi ven sông. Hàng năm vào mùa lũ, phù sa từ sông Krông Nô vun đắp tạo lên lớp dinh dưỡng phì nhiêu. Vào mùa khô, thời tiết khắc nghiệt phơi lớp đá bọt dưới chân núi lửa Nâm Blang trong nhiều tháng. Khi mùa mưa xuống, nước mưa có axit bào mòn lớp khoáng trên bề mặt cao nguyên đá bổ sung vào cánh đồng Buôn Choáh một lượng khoáng chất hữu cơ vô giá. Đây chính là nguồn “sữa” từ mẹ thiên nhiên. Cây lúa trồng trên cánh đồng Buôn Choáh “ngậm” dòng sữa mẹ thiên nhiên này cho ra những hạt lúa đặc biệt.

Gạo ST24 ở Buôn Choáh hạt nhỏ, trong, cơm đậm. Gạo nấu chín dẻo, mềm với hương vị tự nhiên, càng nhai càng ngọt. Khi để nguội hạt cơm vẫn mềm, không bị khô cứng. Không chỉ thế, hàm lượng dinh dưỡng trong hạt gạo như gluxit, protein và các khoáng chất… cũng vượt trội so với những loại gạo khác trồng ở những vùng khác.

Một sản phẩm OCOP 4 sao đặc biệt từ vùng núi lửa Đắk Nông nữa là cà phê bột Đắk Đam. Sản phẩm mang hương vị cà phê đặc trưng của vùng đất đỏ Tây Nguyên nói chung và vùng đất núi lửa Thuận An (Đắk Mil) nói riêng. Nguyên liệu làm ra cà phê bột Đắk Đam được bà con đồng bào M’nông canh tác thuận tự nhiên, chủ yếu sử dụng phân vi sinh. Khi đến mùa thu hoạch, người dân đợi tỷ lệ trái chín đạt trên 90% mới hái và được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Những hạt cà phê chín đỏ dưới vùng núi lửa Thuận An được đồng bào M’nông trồng và thu hái cà phê theo tiêu chuẩn ký kết với HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An

Con đường thành công không trải hoa hồng

Để có được hai sản phẩm OCOP 4 sao quýt đường và cam sành núi lửa, người trồng trải qua những gian truân không nhỏ. Trồng cây trên một vùng đất có đến 90% là đá, nắng nóng khắc nghiệt là cả quá trình đánh đổi nhiều thứ. Chị Mai phải mất 3 năm để nghiên cứu, hình thành nên vườn cây. Đất không thể cày xới do chủ yếu là đá, nên phải đào hố rồi mang đất nơi khác đổ vào. Trong vườn đào hồ, lót bạt bên dưới rồi bơm nước từ dưới sông lên chứa ở đó để tưới cho cây…

Chị nhiều lần trăn trở với nguồn vốn vay đầu tư, phải bôn ba đi học hỏi kỹ thuật, khảo sát thực tế thị trường tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành. Rồi chị tự mình trồng cây chăm sóc, tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc sinh học… Ròng rã nhiều năm trời, cuối cùng chị Mai làm nên một vườn cam sành, quýt đường rộng hơn 20 ha dưới chân núi lửa.

Để có thể trồng thành công loại gạo ngon nhất thế giới trên cánh đồng Buôn Choáh cũng là một hành trình khá dài, vất vả. Bởi cùng với việc bồi đắp phù sa trên các cánh đồng là kèm theo cảnh ngập lụt. Cùng với đó, những người nông dân vẫn còn sản xuất theo thói quen cũ, ngại thay đổi với cách làm mới nên quá trình ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo hướng hữu cơ cũng gặp không ít vất vả. Nhưng với quyết tâm của chính quyền địa phương và những nông dân nơi đây, cuối cùng giống ST24 đã được trồng thành công theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đem đến sự phát triển cộng đồng

Để phát triển sản xuất, năm 2020, chị Mai vận động thành lập HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, liên kết sản xuất với các hộ lân cận. Năm 2021, HTX đạt chứng nhận Hữu cơ Việt Nam và hai sản phẩm Cam sành núi lửa và Quýt đường núi lửa được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Mỗi năm, HTX thu hoạch hơn 150 tấn cam sành, quýt đường và 200 tấn rau, củ. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc nên được các siêu thị bao tiêu với mức giá ổn định.

Sản phẩm hữu cơ của HTX có giá thành cao gấp đôi thậm chí gấp 3 với thị trường nhưng đều được tiêu thụ hết. Qua đó mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên. Mô hình giúp nông dân trên địa bàn có cái nhìn mới về sản xuất hữu cơ, thay đổi cách nghĩ, cách làm và học tập để làm giàu từ nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sản phẩm tươi, HTX sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chế biến sâu như hoa quả, rau củ quả sấy…

Hiện nay, việc sản xuất lúa gạo ở Buôn Choáh đã cơ giới hoá và đang từng bước áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp. Nông dân trong vùng tạo sự liên kết hình thành 2 HTX sản xuất lúa gạo, ứng dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), bảo đảm vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có vị thế trên thị trường, nông dân Buôn Choáh đã được vận động vào HTX, sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hoá.

Năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông công nhận “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao” tại 5 thôn của Buôn Choáh gồm: Bình Giang, Ninh Giang, Thanh Sơn, Cao Sơn và Buôn Choáh. Vùng sản xuất có quy mô hơn 500 ha với 408 hộ nông dân và 2 HTX tham gia. Với sản phẩm đặc biệt đã được đăng ký nhãn hiệu bảo hộ và được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gạo ST24 của Buôn Choáh khẳng định thương hiệu và vị thế trên thị trường, đủ các yếu tố để cạnh tranh với các loại gạo ST khác trên thị trường.


Gạo ST24 được đóng gói thuận tiện và bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An cho biết, HTX hiện có 58 thành viên chính thức và nhiều thành viên liên kết. Trong đó có gần 30 thành viên chính thức là bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Đây cũng là HTX có nhiều người DTTS nhất của tỉnh. Thành viên HTX đều được tập huấn, hướng dẫn chăm sóc vườn cà phê theo quy trình của tổ chức Fairtrade. Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX được kiểm tra bảo đảm rằng sản phẩm sản xuất với điều kiện làm việc an toàn, bảo vệ môi trường, sinh kế bền vững và quỹ phát triển cộng đồng.

Với việc chế biến cà phê ướt, sản phẩm làm ra sẽ sạch, chất lượng cao và giúp tăng thêm sản lượng đạt nhân cho bà con nông dân. Do có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nên HTX bảo đảm đầu ra cho thành viên. Nông dân được cộng thêm hơn 5.000đ/kg so với giá bán cà phê tại địa phương. Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX thực hiện tốt chính sách phúc lợi xã hội tại địa phương, đóng góp cho cộng đồng như đầu tư hệ thống đèn đường, nhà tình thương, làm đường bê tông… Đây là một trong những HTX điển hình, là điểm sáng trong lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh Đắk Nông.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 54 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có 7 sản phẩm đạt 4 sao, bao gồm: Bơ núi lửa Krông Nô (HTX Nông nghiệp dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô); Bưởi Sang’s Farm (HTX Nông nghiệp thương mại, dịch vụ Sang’s Farm); Cam sành núi lửa và Quýt đường núi lửa (HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú), Hạt điều rang muối (Công ty TNHH Hồng Đức); Gạo ST24 Krông Nô (HTX sản xuất lúa gạo Buôn Chóah); Cà phê bột Đắk Đam (HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An).

Mẫn Doanh

Báo Đắk Nông – baodaknong.vn