Chương trình OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức, đặc biệt là tạo điều kiện để các chủ thể tham gia các sự kiện được tổ chức trên địa bàn tỉnh, khu vực; tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP ngoài tỉnh.
Ðiểm chung của bà con huyện Năm Căn là tận dụng thế mạnh, lựa chọn các mặt hàng thuỷ sản để sản xuất kinh doanh. Sau khi phát động thực hiện chương trình OCOP, từ cách làm thủ công dần dần được thay thế quy trình sản xuất hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm truyền thống địa phương.
Chương trình OCOP góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương. (Ảnh: Thu hoạch tôm đất sinh thái tại HTX Tài Thịnh Phát Farm).
Ông Mai Sáu, Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát (xã Hàng Vịnh), chia sẻ: “Ở đây có vùng nguyên liệu rất phong phú, đặc biệt là con tôm, ban đầu tôi có ý nghĩ làm bánh phồng tôm để bà con ăn thử, làm quà biếu, rồi bán chút ít. Qua nhiều năm sản xuất có kinh nghiệm, bà con ăn cảm thấy ngon, thị trường ưa chuộng, từ đó mở rộng quy mô sản xuất”.
“Thời gian đầu, HTX sản xuất nhiều mặt hàng để tìm hiểu thị trường, qua 6 năm thực hiện, đến nay, HTX có 6 sản phẩm chủ lực gồm: tôm khô sinh thái, thịt cua sinh thái, chà bông tôm, chả tôm, riêu tôm, tôm nõn”, anh Lê Hữu Nhiệm, HTX Tài Thạnh Phát Farm (xã Tam Giang) cho biết.
Thịt cua sinh thái của HTX Tài Thịnh Phát Farm là 1 trong 4 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, đang hoàn thiện hồ sơ nâng hạng 4 sao vào cuối năm nay
Ngoài ra, thực hiện các chính sách hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình OCOP, huyện phối hợp với các sở, ngành chuyên môn tỉnh hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng trụ sở, kho, mua sắm máy móc, thực hiện các chương trình chứng nhận sản phẩm, tem, nhãn hiệu, bao bì, với tổng nguồn vốn trên 4,6 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng).
“Có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, từ tỉnh đến cơ sở hỗ trợ trợ, giúp đỡ các chủ thể OCOP, qua đó, tạo điều kiện tốt nhất để các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, hoàn thiện chất lượng, mở rộng thị trường sản phẩm để chủ động tham gia đánh giá phân hạn OCOP”, ông Trần Thanh Nghị, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, thông tin.
Anh Huỳnh Trung Kiên, Công ty TNHH SX-TM-DV Kiên Cường (xã Hàng Vịnh), cho biết thêm: “Ðược sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, năm 2021, sản phẩm bánh phồng tôm của công ty được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, từ đó, mở rộng thị trường, từng bước nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm. Hiện nay, công ty đầu tư thêm hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại hơn để tiếp tục nâng hạng OCOP lên 4 sao, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của Năm Căn – Cà Mau”.
Hiện nay, huyện có 7 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó có 2 chủ thể được cấp giấy chứng nhận HACCP và 1 hợp tác xã có vùng nguyên liệu được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, với diện tích 50 ha.
Máy móc từng bước được hoàn thiện, dự kiến công suất sản xuất bánh phồng tôm của Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát đạt từ 1-1,5 tấn sản phẩm/ngày, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo trong việc tiếp cận tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất của các chủ thể, góp phần nâng cao chất lượng sản vật đặc trưng của vùng ngặp mặn Năm Căn đến tay người tiêu dùng. Chỉ tính riêng năm 2022, các chủ thể đã cung ứng ra thị trường 43.300 tấn sản phẩm OCOP, ước tổng doanh thu gần 21 tỷ đồng. Hầu hết các sản phẩm có mặt ở các tỉnh, thành trong cả nước, kể cả nước ngoài.
“OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM”, ông Trần Thanh Nghị nhấn mạnh./.
Công Tố
Báo Cà Mau Online – baocamau.vn