Nhiều lợi ích cho chủ thể
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay toàn tỉnh Cao Bằng có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao); 67 chủ thể thực hiện OCOP (22 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 30 hộ sản xuất, kinh doanh). Các sản phẩm OCOP đã và đang được nhiều địa phương chú trọng thực hiện. Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Chương trình OCOP đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm, tham gia của các chủ thể OCOP trong tỉnh. Giúp các chủ thể OCOP tăng sức cạnh tranh trong quá trình kinh doanh sản phẩm trên thị trường. Các chủ thể tham gia thấy được lợi ích khi được chứng nhận OCOP, mang lại nhiều giá trị, hiệu quả.
Tại huyện Hòa An, thực hiện Chương trình OCOP, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao đến 4 sao, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường như: rượu gạo Nhật Cao Bằng, bún khô Cô Luyến (bún trắng), cơm cháy Huy Hoàng, trà xanh Tài Hồ Sìn, mật ong rừng tự nhiên…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An Đàm Thanh Hưởng cho biết: Sau khi các sản phẩm tại địa phương được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể đầu tư, nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì, quan tâm đến công tác quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Các chủ thể cơ bản chấp hành tốt quy định của pháp luật cũng như Chương trình OCOP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm; chấp hành các điều kiện về sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các điều kiện sản xuất, kinh doanh khác…
Với 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, chị Nguyễn Thị Thùy – hộ kinh doanh Cơ sở sản xuất cơm cháy Huy Hoàng, đặc sản tổ 2, thị trấn Nước Hai (Hòa An) chia sẻ: Sau khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm Cơm cháy được nhiều người biết đến. Các thị trường cũng rộng hơn, tiêu thụ tốt hơn, tạo được uy tín với khách hàng hơn. Chương trình OCOP có ý nghĩa phát huy các thế mạnh và đặc trưng của địa phương, giúp tăng lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, chương trình còn giúp cho hộ kinh doanh tự hoàn thiện quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến và nâng tầm giá trị sản phẩm hơn nữa.
Hiện nay, huyện Hà Quảng có 7 sản phẩm của 6 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh gồm: Khẩu sli Nà Giàng, rượu ngô, lạc đỏ, lạp sườn lợn đen… Nhìn chung các sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn về thương hiệu, nhãn hiệu, mã truy suất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; thuận tiện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, một số sản phẩm đã vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Phát huy chương trình OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Nông Thanh Mẫn nhận định: Qua công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các huyện, Thành phố, các sản phẩm OCOP cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn về thương hiệu, nhãn hiệu, mã truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; thuận tiện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, vươn ra thị trường lớn, xuất hiện trên “kệ sản phẩm” của những thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn; đa số các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP có sản lượng, doanh thu cao hơn khi chưa được chứng nhận.
Để nâng cao hiệu quả hiệu quả và phát huy chương trình OCOP tại các huyện, Thành phố cần tiếp tục, định hướng, hướng dẫn các chủ thể OCOP quan tâm, triển khai việc tạo sự khác biệt, tăng giá trị cho sản phẩm, đa dạng kích cỡ, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; đảm bảo vùng nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu đầu vào, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; bên cạnh việc phát triển sản phẩm, các chủ thể quan tâm, duy trì, chủ động cập nhật các nội dung quy định hằng năm như: Chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mã vạch, kiểm nghiệm định kỳ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm…
Chỉ đạo, định hướng cho chủ thể OCOP cần tích cực trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm như: kết nối với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, điểm dừng nghỉ, điểm du lịch… trong và ngoài tỉnh; chủ động tích cực tham gia các hội chợ OCOP, hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành trên cả nước nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, giúp chủ thể mở rộng thị trường, đảm bảo việc liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi được bền chặt, hiệu quả. Các cấp, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm giúp các chủ thể hỗ trợ về chính sách, vốn sản xuất, kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ Trung ương đến địa phương… Hướng dẫn các chủ thể đặt tên gọi sản phẩm gắn với địa danh, địa lý, văn hóa, đặc sản, đặc trưng hoặc tên cơ sở sản xuất để người tiêu dùng dễ nhận biết trên thị trường và thuận tiện cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc sản địa phương…
Tiến Mạnh
Báo Cao Bằng – baocaobang.vn