Trà dây thìa canh DK của Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK là một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng ở xã Yên Ninh (Phú Lương). Năm 2022, sản phẩm này đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Sau khi đạt tiêu chuẩn OCOP, thị trường tiêu thụ sản phẩm Trà dây thìa canh DK ngày càng mở rộng và được nhiều đơn vị, khách hàng tìm đến tận nhà máy để quan sát thực tế quy trình sản xuất.
Nhận thấy tiềm năng du lịch từ hoạt động này, mới đây, Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK đã phát triển các dịch vụ tham quan, trải nghiệm. Ông Hoàng Khắc Cần, Giám đốc Công ty, cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch tại một số địa phương, tôi đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, trọng tâm là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Theo đó, du khách sẽ được tham quan và tìm hiểu các loại cây dược liệu; tắm lá thuốc nam; trải nghiệm quá trình sản xuất trà dây thìa canh; thưởng thức ẩm thực của dân tộc Sán Chay, dân tộc Dao…
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình du lịch của Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK đã đón gần 50 lượt du khách. Sắp tới, Công ty sẽ đầu tư phát triển thêm dịch vụ lưu trú, tập yoga. Song hành với đó là xây dựng thêm 2 sản phẩm OCOP gắn với câu chuyện lịch sử – văn hóa của người dân tộc Sán Chay địa phương. Qua đó, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách nói riêng và người tiêu dùng nói chung.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lương đã có thêm nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất – kinh doanh đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh. Có thể kể đến như: Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến, Hợp tác xã chè sạch Đạt Phát, Hợp tác xã nông sản nếp vải Ôn Lương…
Thông qua đó đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Phú Lương. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị kinh tế của các sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP đã tăng thêm 20% so với năm 2021. Doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao tăng từ 20-50%.
Để có được những kết quả này, huyện Phú Lương đã đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với thực hiện các chương trình, đề án về nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là Đề án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 2021-2023, huyện đã hỗ trợ trên 600 máy móc các loại phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ quảng bá các sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, hội chợ xúc tiến thương mại; tổ chức trên 60 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất nông nghiệp đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, mô hình du lịch cộng đồng… Thông qua đó đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đến nay, toàn huyện có 16 sản phẩm được xếp hạng OCOP.
Ngoài ra, huyện Phú Lương cũng tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Địa phương đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để nâng cấp, xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn; nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến nay, 12/13 xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông; 13/13 xã đạt tiêu chí về điện; 12/13 xã đạt tiêu chí môi trường… Các yếu tố cơ sở hạ tầng này chính là điều kiện cần để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất, giao thương hàng hóa OCOP.
Ngoài ra, xác định bản sắc văn hóa truyền thống chính là yếu tố quan trọng thu hút du khách đến với địa phương, huyện Phú Lương cũng quan tâm phân bổ kinh phí để bảo tồn, tu sửa các di tích lịch sử, địa điểm cách mạng nổi tiếng; tuyên truyền bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Trong đó nổi bật là việc nhân rộng hoạt động truyền dạy điệu múa Tắc xình trong các khu dân cư và trường học. Hiện toàn huyện có 10 câu lạc bộ múa Tắc xình; 100% các trường học trên địa bàn đã đưa điệu múa Tắc xình vào hoạt động tập thể.
Việc lồng ghép Chương trình OCOP gắn với du lịch cộng đồng đã và đang góp phần quảng bá, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện Phú Lương, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tiếp nối những kết quả đạt được, mới đây, Phú Lương đã ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó giải pháp trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang tính đặc trưng; ưu tiên phát triển du lịch nông thôn đối với các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trở lên và có sản phẩm đạt OCOP; đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ và lao động du lịch nông thôn…
Phan Trang
Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn