Du lịch cộng đồng với những ưu thế như bảo vệ, nâng cao giá trị của tài nguyên thiên nhiên, tạo sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là hướng đến bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… đã được Đà Nẵng xác định lựa chọn để hướng tới.
Trình diễn điệu múa truyền thống của đồng bào Cơ Tu xã Hòa Bắc
Mô hình du lịch sinh thái của cộng đồng bà con Cơ Tu ở Đà Nẵng bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Lượng khách du lịch ngày một nhiều hơn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.
Nâng cao chất lượng
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây thành phố đã và đang quan tâm đến việc phát triển, nâng cao chất lượng cho du lịch cộng đồng để tăng sức hấp dẫn, trải nghiệm dành cho du khách, quan tâm đến phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng nhằm giới thiệu các sản phẩm này tới người dân và du khách.
Nói đến du lịch cộng đồng tại Đà Nẵng không thể không nhắc đến xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Một số mô hình du lịch của người dân xã Hòa Bắc đã trở thành điểm sáng. Người dân Hòa Bắc đón khách bằng những điều bình dị, chân thật, tự nhiên nhất, lấy sản phẩm thiên nhiên từ chính cây nhà lá vườn để tiếp đãi. Tiêu chí của một hộ gia đình tham gia du lịch cộng đồng là phải thực hiện phân loại rác, bảo đảm an toàn, yên tĩnh cho du khách, không rượu bia, không karaoke, loa kẹo kéo, có nhà vệ sinh sạch sẽ, gia đình hiền hòa, văn hóa. Việc chăm bón nông sản được thực hiện nghiêm ngặt trên tiêu chí sạch sẽ, an toàn. Điều này góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.
Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở đây bao gồm những trải nghiệm đi về trong ngày như ăn, uống cà phê, đạp xe, ngắm cảnh… Trong thời gian qua, người dân ở địa phương vẫn đang từng bước hoàn thiện các dịch vụ mang lại cho khách trải nghiệm thú vị nhất. Cuối tháng 3.2023, Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc được thành lập với 20 thành viên chủ chốt và các thành viên liên kết đều là chủ các homestay, các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Tại thôn Giàn Bí, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng triển khai từ năm 2018 với mục đích giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Cơ Tu ở Hòa Bắc, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Tại buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về phát triển du lịch cộng đồng, ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí cho biết: “Mô hình du lịch sinh thái ở thôn Giàn Bí và Tà Lang của cộng đồng bà con Cơ Tu ở Hòa Bắc bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Lượng khách du lịch đến với địa phương ngày một nhiều hơn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn là ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi truờng sinh thái của người dân được nâng cao rõ rệt”.
Ngoài ra, xác định đào tạo nguồn lực cho du lịch cộng đồng là điều cấp thiết để phát triển loại hình này, Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức các buổi tập huấn về các phục vụ khách du lịch, hướng dẫn kỹ năng tổ chức tiệc buffet cho các đoàn khách lớn; cách lên thực đơn cho khách theo các món ăn địa phương, cách tổ chức trình bày món ăn sao cho bắt mắt, kỹ năng phục vụ khách ăn buffet. Những khóa tập huấn này sẽ giúp người dân địa phương từng bước nâng cao kỹ năng phục vụ khách. Ngoài ra, để bổ sung thêm các sản phẩm du lịch mới, ngành du lịch thành phố dự kiến hình thành tour du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc, mô hình du lịch nông nghiệp mới tại Hòa Vang.
Quảng bá giá trị văn hóa
Để bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Cơ Tu được khẳng định và vươn xa, tại một số chương trình, lễ hội của Đà Nẵng đã phỏng dựng không gian, tái hiện lại các nghề truyền thống như dệt vải, làm bánh, trưng diễn ẩm thực, trang phục, điệu múa… truyền thống của người Cơ tu để du khách có thể tham quan, trải nghiệm. Bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết, xã đang định hướng phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Ông Nguyễn Văn Trung, chủ homestay Trung Tam (thôn Giàn Bí) cho rằng: “Hiện nay tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí của xã Hòa Bắc mới chỉ giữ và phát huy được điệu múa Tung Tung Zá Zá và tiếng nói (ngôn ngữ). Nếu được thì nên nghiên cứu sâu hơn về trang phục truyền thống và phục hồi lại các ngôi nhà truyền thống trước đây của người Cơ Tu. Trang phục truyền thống của người Cơ Tu rất đẹp với 3 màu đặc trưng gồm đỏ, đen, vàng. Trong các khung dệt vải của người Cơ Tu cũng chỉ dàn 3 màu này là chủ đạo. Vì thế nếu người dân trong làng đều mặc trang phục truyền thống cả trong những ngày thường thì khi du khách lên sẽ rất thích thú, tạo được sự khác biệt, độc đáo”.
Là người thường xuyên tham gia biểu diễn các điệu múa Tung Tung Zá Zá tại các homestay, các chương trình lửa trại tại địa phương, chị Nguyễn Thị Lệ (thôn Tà Lang) cũng mong muốn truyền thống văn hóa phải được giữ gìn qua điệu múa, trang phục, lời hát, bảo vệ được văn hóa truyền thống sẽ tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách, từ đó người dân địa phương sẽ có việc làm ổn định từ các hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, năm 2023 huyện Hòa Vang đã có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực làm du lịch cộng đồng cho người dân trên địa bàn với những nội dung như: Tập huấn, đào tạo hát dân ca, đào tạo hát lý phục vụ khách du lịch tại cụm Tà Lang, Giàn Bí và mời nghệ nhân dân gian truyền dạy. Nội dung là các điệu dân ca theo phong tục của đồng bào Cơ Tu, dân ca khu V, cách biểu diễn dân ca truyền thống; tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa Cơ Tu và kỹ năng kể chuyện nguồn gốc văn hóa Cơ Tu cho đối tượng là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số chủ các homstay tại Tà Lang, Giàn Bí, qua đó cập nhật kiến thức văn hóa truyền thống người dân tộc Cơ Tu cho thế hệ trẻ, xây dựng chương trình kể câu chuyện văn hóa cho khách du lịch; tập huấn, thuyết minh tại các điểm du lịch, di tích; tập huấn nghiệp vụ nấu ăn phục vụ trong du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Ngọc Hà
Báo Văn hóa điện tử – baovanhoa.vn