Thái Nguyên: Đa dạng sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, những thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã trở thành điểm tựa vững chắc để Thái Nguyên phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Qua đó, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mới, đa dạng phục vụ nhu cầu của du khách, góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Thái Nguyên kết hợp hiệu quả giữa sản phẩm nông nghiệp với du lịch cộng đồng.

Du lịch đóng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của Thái Nguyên. Bên cạnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà, giúp cải thiện sinh kế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người nông dân.

Với thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây chè tại Thái Nguyên phát triển tốt và cho ra những sản phẩm trà thơm ngon nổi tiếng cùng chất trà đặc biệt. Thái Nguyên hiện nay có 6 vùng chè đặc sản gồm: Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài – Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), Tức Tranh (huyện Phú Lương), Phú Ninh (huyện Định Hóa). Nhận thấy rõ được vị trí, vai trò của cây chè và văn hóa trà trong phát triển du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với các sản phẩm từ chè, văn hóa trà.

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với các sản phẩm như: Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà; du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà; du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh gắn với văn hóa trà; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, MICE gắn với văn hóa trà; du lịch khám phá hang động, thể thao gắn với văn hóa trà.

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025 

Cụ thể, loại hình du lịch về nguồn gắn với văn hóa trà được triển khai tại các điểm đến như Khu di tích lịch sử quốc gia 60 Liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915, Khu di tích lịch sử quốc gia ATK Định Hóa, Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương. Các tour du lịch sinh thái gắn với văn hóa trà kết nối Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương với Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc. Tour du lịch văn hóa, cộng đồng đưa du khách tới Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải và trải nghiệm tại Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Thái Nguyên xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới, với định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững. Theo đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đặc sản sẽ tạo ra sản phẩm du lịch, phục vụ khách du lịch, từ đó du lịch sẽ kích cầu lại ngành nông nghiệp với việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân. 

Được biết, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ việc lập dự án, đầu tư hạ tầng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.

Trên cơ sở những tiềm năng tự nhiên, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang tích cực đầu tư, khuyến khích phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp đang có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch. Hoạt động du lịch bền vững đang từng bước được hình thành, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Tỉnh Thái Nguyên đang tích cực đầu tư, khuyến khích phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Dương Văn Tuyên khẳng định: “Huyện sẽ quy hoạch các khu, điểm sinh thái có tiềm năng phát triển du lịch như suối Kẹm; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp; quảng bá, xúc tiến thương mại phát triển du lịch cộng đồng, nhất là du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà. Chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, tham quan trải nghiệm đồi chè,… lựa chọn các sản phẩm OCOP làm quà tặng, trọng tâm là các sản phẩm chè đặc sản”.

Cùng với mô hình tại huyện Đại Từ, tại xã La Bằng – nơi hút mắt du khách bởi những nương chè xanh mướt đã hình thành các homestay thu hút đông đảo khách du lịch trải nghiệm. Anh Nguyễn Văn Tới, chủ homestay La Bằng chia sẻ: “Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng đầu tư thêm một số nhà sàn cộng đồng, phòng nghỉ bên sườn núi phục vụ du khách lưu trú cũng như kết nối tham quan, trải nghiệm với một số điểm đến trên địa bàn như: Suối Kẹm, Hợp tác xã chè La Bằng…”.

Anh Tới cũng cho biết, tuy mở thêm dịch vụ nhưng luôn chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và bảo đảm môi trường du lịch luôn sạch, đẹp và bền vững. Ngoài ra còn có du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại các vùng chè xã Tân Cương (Thành phố Thái Nguyên); mô hình du lịch sinh thái Phượng Hoàng, điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng, Võ Nhai), Trung tâm thương mại và du lịch Dũng Tân (thành phố Sông Công).

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, không chỉ góp phần đa dạng hóa hoạt động thương mại, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm.

Việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Thái Nguyên đặt ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm, thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục chỉ đạo các địa phương xác định xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; nhân rộng các loại hình trang trại thiên nhiên, trang trại hữu cơ, trang trại chuyên đề, vùng nông nghiệp canh nông; chú trọng phát triển nền nông nghiệp xanh, hạn chế sử dụng hóa chất, khôi phục sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực này thông qua cơ chế, chính sách, như: xây dựng chương trình phát triển du lịch canh nông gắn với xây dựng nền nông nghiệp bền vững và nông thôn mới; đầu tư thích đáng cho kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch canh nông như đường, điện, nước sạch; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực./.

Bài, ảnh: TL
Báo điện tử ĐCSVN – dangcongsan.vn