Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được thiên nhiên ban tặng những rừng chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi. Những gốc chè cổ sống ở nơi quanh năm giá lạnh, ẩn mình trong mây mù đã tạo ra hương vị thơm ngon mà không ở nơi đâu có được.
Du khách thưởng trà trên đỉnh Suối Giàng
Chè Shan tuyết Suối Giàng mọc trên núi cao và búp chè (tôm chè) có một lớp màng tơ bàng bạc như tuyết và là thứ chè thuộc hàng “độc nhất vô nhị”. Nổi tiếng là vậy, nhưng một thời gian dài những gốc chè ấy chưa thể mang lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây. Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước đây. Còn bây giờ, người Mông ở Suối Giàng đã thay đổi quy trình sản xuất, pha chế, từng bước xây dựng văn hóa uống trà và đã tạo ra giá trị mới cho sản phẩm. Người tạo ra sự thay đổi này là anh Đào Đức Hiếu – Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng.
Từ sự hướng dẫn của anh, với cách thu hái khác nhau, đồng bào sẽ chế biến được thành các sản phẩm trà khác nhau đó là: Bạch trà, Diệp trà, Hoàng trà và Hồng trà đem lại giá trị cao gấp chục lần so với trước. Đơn cử như Bạch trà được chế biến từ các búp chè màu bạc, được lựa chọn kỹ lưỡng; sau đó, được hấp chín và đem đi sấy khô, chứa nhiều chất dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe con người, giá của nó lên đến hàng trục triệu đồng.
Bên cạnh đó, HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã từng bước xây dựng đội ngũ nhân viên, người phục vụ am hiểu về trà, biết cách lựa chọn, pha chế các loại trà để có được những chén trà ngon nhất, chất lượng nhất; đồng thời, triển khai những lớp học miễn phí cho trẻ em để những câu chuyện về sản phẩm thấm dần vào những đứa trẻ vùng cao từ khi con nhỏ.
Từ đó, chè không đơn thuần là một sản phẩm để thương mại, mà nó còn là câu chuyện của văn hóa và kéo theo cả du lịch. Thực tế cho thấy, hiện tại, đồng bào Mông ở Suối Gàng đã gắn du lịch sinh thái với văn hóa trà cùng những sản phẩm đặc trưng của người Mông. Đó là, những mái nhà to, nhỏ lợp bằng những tấm gỗ pơ mu; là những ngôi làng cổ với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn; là những thiếu nữ Mông trong những bộ váy áo sặc sỡ đang thêu thùa; là những chén trà được chính bàn tay những thiếu nữ Mông pha mời khách.
Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng từng chia sẻ, khi một sản phẩm nông nghiệp đồng hành với câu chuyện về du lịch, văn hóa và sức khỏe không chỉ đơn thuần là tiêu thụ bằng những kênh thương mại vào hệ thống siêu thị, bán hàng trực tuyến, mà còn tiêu thụ bằng chính câu chuyện văn hóa của mình. Từ trà Suối Giàng nghĩ về tích hợp sản phẩm đa giá trị giữa sản phẩm riêng và văn hóa đặc trưng.
Hiện, Yên Bái có hàng trăm sản phẩm OCOP và nếu chúng ta kết tinh tài nguyên bản địa với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến, bản sắc văn hóa – xã hội tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn thì khi đó sản phẩm nông nghiệp sẽ đem đến một giá trị mới. Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch trong tỉnh.
Khi du lịch cộng đồng, du lịch canh nông gắn với các sản phẩm nông nghiệp sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Hiện, du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh đang manh nha phát triển như: du lịch mùa nước đổ, mùa lúa chín ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải; du lịch tham quan vườn bưởi, vùng cam sành Lục Yên; nuôi cá lồng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình; trải nghiệm hái, xao chè để thưởng thức trà tại vùng chè Shan tuyết ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn; trải nghiệm “một ngày làm nông dân” ở ruộng bậc thang Mù Cang Chải… đã trở thành mô hình du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, định vị hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái, nông thôn giàu bản sắc văn hóa, người dân nông thôn đôn hậu, hiền hòa, mến khách. Song, du lịch nông thôn, nông nghiệp không phải chỉ dừng lại đơn giản ở việc xây dựng vài cái chòi, trang trí một vài bông hoa, kê mấy cái bàn là xong mà cần “thổi hồn” vào từng sản phẩm để du khách cảm nhận chiều sâu văn hóa, niềm tự hào về quê hương của những người dân làm du lịch.
Từ trà Suối Giàng là một ví dụ thành công về tích hợp sản phẩm đa giá trị, kết hợp giữa sản phẩm riêng và văn hóa đặc trưng, là cầu nối giữa người tiêu dùng và văn hóa địa phương; đồng thời, khích lệ sự phát triển của sản phẩm phẩm đa giá trị khác. Từ trà Suối Giàng – một bước tiến trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương; đồng thời, góp phần làm thăng hoa ngành du lịch, thương mại của vùng đất này.
Văn Thông
Trung tâm QLDT&PTDL Yên Bái
https://dulichtaybac.vn/