Tân Lạc – Hòa Bình: Xã Phong Phú – Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã Phong Phú (Tân Lạc - Hòa Bình) đã và đang tích cực phát triển du lịch cộng đồng gắn với kinh tế nông nghiệp. Hình thức này đang trở thành xu thế, mang lại lợi ích kinh tế bền vững, vừa góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Hộ ông Đinh Công Lon, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) đầu tư cơ sở homestay đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch

Xóm Lũy Ải được biết đến là làng Mường cổ của tỉnh còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mường. Xóm có trên 90 nóc nhà, hầu hết là nhà sàn truyền thống của người Mường, cùng với duy trì nếp sinh hoạt truyền thống, người dân còn lưu giữ nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ được làm từ gỗ, tre hoặc nứa như: khung dệt vải, cung, nỏ, dụng cụ làm ruộng, làm nương rẫy… Từ bao đời nay, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Mỗi nhà trong xóm dù ít hay nhiều đều có một vài sào lúa, nương ngô. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản hầu hết làm ra chỉ đủ tiêu dùng, không đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bùi Văn Huynh, Trưởng xóm Lũy Ải cho biết: Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con luôn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hầu hết phụ nữ biết xe tơ, dệt vải, tự làm cho mình những chiếc áo, váy mặc hàng ngày. Nhà nào cũng lưu giữ từ 1 – 2 chiếc chiêng để tham gia các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Tháng 1/2014, xóm Lũy Ải được UBND tỉnh cộng nhận là điểm du lịch cộng đồng. Với lợi thế về vị trí, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn đa dạng, phong phú cùng những sản phẩm du lịch tiêu biểu, phù hợp phát triển loại hình du lịch trải nghiệm như: làm ruộng, nhổ mạ, cày cấy, đào măng… Ngoài ra, hệ thống sông, suối phù hợp phát triển mô hình du lịch gắn với nuôi trồng thủy sản, sinh thái, cắm trại nghỉ dưỡng, đánh bắt cá, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của nông dân. Nắm bắt được lợi thế đó, xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp phát triển du lịch phù hợp nhằm phát huy tài nguyên du lịch, tiềm năng, lợi thế của xóm, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Nhiều đoàn khách lớn, đặc biệt là các đoàn khách quốc tế đã đến xóm tham quan, tham gia sinh hoạt cộng đồng và lưu trú. Năm 2023, xóm đón trên 80.000 khách du lịch, đem lại nguồn thu nhập trên 8 tỷ đồng. Đón khách đến thăm, người dân không chỉ giới thiệu những nét đẹp văn hóa, vẻ đẹp tự nhiên của quê hương mà còn có thêm thu nhập từ việc hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm, bán sản phẩm lưu niệm như hàng mỹ nghệ, sản phẩm dệt thổ cẩm…

Từ khi xóm Lũy Ải trở thành điểm du lịch cộng đồng, nguồn thu của người dân được đảm bảo hơn, từ đó giúp cho việc đầu tư hạ tầng khang trang hơn, nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển. Nhờ có thêm nguồn thu từ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống người dân dần ấm no, việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Trong năm 2023, xã được UBND huyện công nhận 2 vườn (thuộc xóm Mường Lầm) đạt vườn kiểu mẫu.

Đồng chí Bùi Văn Nức, Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết: Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, xã đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch, hướng cộng đồng vào các hoạt động du lịch gắn với phát triển sinh kế. Đồng thời, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp nổi bật, riêng có của địa phương, thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch…, góp phần thực hiện hiệu quả việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp trên địa bàn.

Hoàng Dương

Báo Hòa Bình – baohoabinh.com.vn