Vĩnh Phúc: Triển vọng từ du lịch nông nghiệp

Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp trở thành hướng đi mới nhiều triển vọng của ngành Du lịch Vĩnh Phúc. Việc phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ góp phần đa dạng các loại hình du lịch, thu hút du khách, giải quyết vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Tại thôn Phú Phong, xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc, khu nông trại rộng hơn 4 ha trồng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái của gia đình chị Đặng Thị Quyên thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Từ mô hình nông nghiệp thuần túy, gia đình chị Quyên đã xây dựng, phát triển mô hình nông trại Taca Farm được nhiều người biết đến. Nông trại trồng nhiều loại rau, củ, quả như cà chua, rau muống, cà rốt, củ dền, cà tím… theo hướng sản xuất hữu cơ.


Các em nhỏ đến Taca Farm được tự tay trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản…

Chị Quyên chia sẻ: “Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại rau, củ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khi sử dụng có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Với mong muốn đem đến nguồn thực phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng, gia đình xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ, cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cho các cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh và Hà Nội. Thời điểm đầu khi nông trại mới được xây dựng đã thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, gia đình tôi đã đầu tư hệ thống nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời, xây dựng khu vui chơi với các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, trải nghiệm tắm bùn, bắt cá dưới ao, khu vực check-in, sân khấu ngoài trời, team building…”.

Du khách đến đây được tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, tìm hiểu quy trình sản xuất nông nghiệp, tự tay chăm sóc, thu hoạch rau, củ và mua các loại rau, củ về sử dụng hoặc làm quà cho gia đình, người thân.


và trải nghiệm bắt cá dưới ao.

Việc đến tham quan, trải nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp góp phần củng cố lòng tin của khách hàng đối với quy trình sản xuất rau hữu cơ của nông trại.

Thời gian cao điểm (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau), Taca Farm đón khoảng 1.000 lượt khách, chủ yếu là các gia đình, thầy, cô giáo và học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Taca Farm đang phối hợp, liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn mở rộng vùng sản xuất rau hữu cơ lên hơn 10 ha để có đủ nguồn hàng cung cấp một số loại thực phẩm cho gia đình, trường học, cơ quan, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Taca Farm dự định xây dựng khóa dạy kỹ năng cho học sinh trong dịp hè, có khu lưu trú phục vụ du khách ở xa; phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối Taca Farm với các làng nghề, các di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu trên địa bàn huyện (Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, chùa Biện Sơn…) và các nông trại khác để thu hút du khách.

Sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm là hướng đi phù hợp, hiệu quả, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương đến với du khách.

Ngoài Taca Farm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư bài bản với hướng đi mới, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực như mô hình trồng nho ở xã Nhân Đạo (Sông Lô); mô hình trồng dâu tây ở thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo); mô hình trồng sen ở xã Phú Đa, xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường)…

Tuy nhiên, hầu hết quy mô các mô hình còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư, vận hành một cách chuyên nghiệp, bài bản nên chưa thu hút được nhiều du khách ở các địa phương khác đến tham quan, trải nghiệm; nguồn nhân lực tại các nông trại chủ yếu là lao động địa phương chưa qua đào tạo chuyên ngành du lịch nên còn thiếu kỹ năng phục vụ, chất lượng dịch vụ chưa cao.

Chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong việc xây dựng các tour, tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm; đa số các mô hình được triển khai trên đất nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật khiến việc đầu tư, xây dựng, phát triển mô hình còn hạn chế.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, tạo đà phát triển cho các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hình thành các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục, du lịch học đường, du lịch sinh thái.

Xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các điểm du lịch nông thôn; tăng cường giới thiệu, quảng bá du lịch nông thôn trên các kênh truyền thông, các ấn phẩm du lịch.

Các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn để thu hút và giữ chân du khách.

Bài, ảnh: Bạch Nga
Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn