Những ngày này, nông trại của anh Trần Duy Đoan, xã Nhân Đạo (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đang vào vụ thu hoạch dâu tây. Những quả dâu tây to đều, đỏ mọng được trồng theo công nghệ hiện đại thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, chụp ảnh và thưởng thức ngay tại ruộng, mang tới những trải nghiệm du lịch sinh thái mới cho vùng nông thôn.
Hướng tới phát triển nông nghiệp gắn với các hoạt động học tập và du lịch trải nghiệm, tháng 4/2021, anh Đoan đầu tư xây dựng các khu nhà kính công nghệ cao; thiết kế cảnh quan, sơ đồ các khu vực sản xuất, khu thăm quan học tập và trồng 1.400 gốc nho hạ đen trên diện tích 4.000m2.
Sau một năm trồng, chăm sóc, sản lượng nho đã đạt 3,5 tấn với giá bán hiện nay hơn 150.000 đồng/kg, anh thu về hơn 500 triệu đồng. Đến nay, ngoài nho là cây chủ lực, nông trại còn trồng thêm dưa lưới và dâu tây.
Cùng với đó, anh Đoan còn tuyên truyền quảng bá các hoạt động của nông trại, thành lập Fanpage, đăng ký thiết lập định vị tìm kiếm nông trại nho sạch trên google.map.
Từ năm 2022 đến nay, nông trại đã tiếp đón hơn 8.000 lượt khách tới tham quan và trải nghiệm thực tế tại nông trại, trong đó, khoảng 20% khách tham quan tới từ các cơ sở, đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận.
Chỉ mới đi vào hoạt động (tháng 11/2022), khu du lịch nghỉ dưỡng Encamp, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên trở thành địa điểm cắm trại, nghỉ ngơi, thư giãn, dã ngoại cuối tuần lý tưởng của nhiều gia đình.
Chủ khu nghỉ dưỡng, anh Đặng Xuân Thành cho biết: Với diện tích khoảng 3ha, trước mặt là hồ Đồng Câu rất rộng, bên cạnh đồi thông khoảng 50 tuổi cùng khí hậu ôn hòa, khung cảnh thiên nhiên trong lành, đến với khu camping Encamp, ngoài thú vui dạo chơi trên đồi thông, vườn trái cây, du khách còn được trải nghiệm chèo thuyền Kayak trên hồ Đồng Câu; tham gia những chuyến đi khám phá đèo Nhe hoặc leo lên những vách đá cao vút ở núi Mỏ Quạ.
Mô hình phát triển nông nghiệp gắn với các hoạt động học tập và du lịch trải nghiệm của của anh Trần Duy Đoan xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cho thu nhập 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng
Tại đây, có thể ngắm nhìn hồ Làng Hà, hồ Xạ Hương, hồ Gia Khau… thấp thoáng cánh rừng ở phía xa. Ngoài ra, anh Thành còn kết hợp với các Hợp tác xã nông nghiệp trong vùng hướng du khách trải nghiệm được tự tay trồng rau, sử dụng nguồn rau sạch khi tới đây.
Trong vài năm trở lại đây, mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đang được nhiều khu khách lựa chọn, hướng tới. Vì vậy, cùng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhiều địa phương, doanh nghiệp, cá nhân đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế ở địa phương để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất hiện một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn như hình thức homestay ở Tam Đảo, framstay ở Phúc Yên, và một số nông trại có kết hợp dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp cho du khách ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, bức tranh du lịch nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch số 46 về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, Vĩnh Phúc xây dựng mô hình du dịch nông thôn theo hướng du lịch xanh bền vững; hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế trang trại để hình thành mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục – du lịch học đường, du lịch sinh thái.
Xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các điểm du lịch nông thôn nhằm bổ sung tính đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch; phát triển làng nghề và nhóm sản phẩm lưu niệm dần đưa các làng nghề trở thành các trung tâm bán hàng lưu niệm thủ công truyền thống đặc trưng hấp dẫn khách du lịch, kết hợp cung ứng trải nghiệm thực tế cho du khách thông qua tham gia các hoạt động sản xuất trực tiếp.
Lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông thôn trong các chương trình xúc tiến quảng bá về du lịch Vĩnh Phúc trên các kênh truyền thông, các ấn phẩm du lịch.
Cùng với đó đa dạng hoá và đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền về du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng trên nền tảng công nghệ số qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội,…; đẩy mạnh gắn kết, lồng ghép với công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM.
Xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung – cầu du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp, công ty lữ hành liên kết với người dân, cộng đồng địa phương xây dựng các mô hình du lịch nông thôn.
Mai Liên
Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn