Vĩnh Phúc: Đánh thức tiềm năng các sản phẩm OCOP ở khu vực miền núi

Khu vực miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, kết tinh giá trị văn hóa, chính là tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, để các sản phẩm thực sự phát huy hết thế mạnh và trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân địa phương, tạo ra sản phẩm đặc trưng cho ngành du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vẫn đang là bài toán khó.

Với mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn sẽ có từ 10 sản phẩm trở lên được công nhận sản phẩm OCOP, hướng tới mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm OCOP, huyện Sông Lô tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình sản phẩm OCOP. Tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế và điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán của người dân, phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hiện có của huyện; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm…

Nhờ sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các ngành chức năng và chính quyền địa phương tạo động lực để các chủ thể mạnh dạn đăng ký tham gia và không ngừng hoàn thiện, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đến nay, huyện Sông Lô có 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: Thanh long ruột đỏ, mỳ thanh long của Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ Nông Lâm Thủy sản Lộc Thúy Quỳnh; thanh long ruột đỏ Tân Lập; nước uống đóng chai AQUA Thác Bay; ổi Đôn Nhân; giò lụa Phương Khoan; cá thính Cao Phong và mật ong Núi Thét.

Qua nhiều năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP như “luồng gió mới” tiếp sức cho các tổ chức, cá nhân tại có thêm điều kiện tạo ra các sản phẩm OCOP với năng suất cao, chất lượng tốt; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn; tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho người dân, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Sông Lô.


Mỳ thanh long của Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ Nông Lâm Thủy sản Lộc Thúy Quỳnh được đánh giá là một trong những sản phẩm OCOP tiềm năng của huyện Sông Lô

Năm 2023, sản phẩm cá thính của cơ sở kinh doanh cá thính Lan Anh, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Ninh Bình, Lào Cai… Chị Trần Thị Lan Anh, chủ cơ sở cá thính Lan Anh cho biết: Làm cá thính không khó, nguyên liệu chung là muối, cá và bột ngô. Thế nhưng, để có được 1 mẻ cá thính ngon, mỗi hộ lại có bí quyết, quy trình sản xuất riêng. Đối với sản phẩm cá thính của chúng tôi làm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, 100% cá phải tươi, được nuôi thả tự nhiên, rửa sạch, bỏ đầu, bỏ ruột, bỏ vây nhưng không đánh vảy và khứa nhẹ bề mặt mỗi khúc cá trước khi rắc muối hạt với định lượng cụ thể. Sản phẩm cá thính thành phẩm đều được dán tem nhãn, có mã truy xuất nguồn gốc, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm, được chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ được kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã giúp khách hàng càng ngày càng tin tưởng, yên tâm về chất lượng của sản phẩm.

Cùng với sản phẩm cá thính Lan Anh, hiện nay, huyện Lập Thạch có 11 sản phẩm của 8 chủ thể được công nhận, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lập Thạch Nguyễn Huy Lập cho biết: Năm 2024, huyện Lập Thạch tiếp tục quan tâm làm tốt các sản phẩm lợi thế hiện có và thực hiện công tác đánh giá, phân hạng 10 sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý kinh doanh; nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình…

Đạt được kết quả khích lệ là vậy, song trên thực tế, việc phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế. Không chỉ ở Lập Thạch hay Sông Lô, qua khảo sát thực tế ở các huyện miền núi của tỉnh cho thấy, khó khăn trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP chính là năng lực sản xuất, khả năng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ nên việc tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn. Nguyên nhân là do một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhưng khó mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất; chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh; hầu hết các chủ thể sản xuất chưa có sự chủ động, linh hoạt phù hợp với sản xuất quy mô lớn, quảng bá sản phẩm để đẩy mạnh khâu tiêu thụ. Các sản phẩm hiện đang duy trì ở quy mô cấp hộ gia đình, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến, bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu khiến các sản phẩm trên chủ yếu mang tính thời vụ, chưa thể đáp ứng được các đơn hàng lớn, liên tục… Để sản phẩm OCOP của khu vực miền núi phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa là câu chuyện không hề dễ. Bởi, bên cạnh một số sản phẩm sau khi được “gắn sao” có sự ổn định về sản xuất, tiêu thụ thì nhiều sản phẩm vẫn đang loay hoay cầm cự trên thị trường, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại.


Sản phẩm cá thính của cơ sở kinh doanh cá thính Lan Anh, huyện Lập Thạch được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023

Mặc dù được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, tính đến tháng 5/2024, các huyện miền núi của tỉnh mới phát triển được 44 sản phẩm, trong đó, 7 sản phẩm 4 sao và 37 sản phẩm OCOP 3 sao. Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần giải được bài toán xây dựng nhãn hiệu, mở rộng thị trường cho sản phẩm và thương hiệu cho chủ thể. Tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh giúp những địa phương khu vực nông thôn, miền núi phát huy tiềm năng, lợi thế, đa dạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Theo đó, tại Quyết định số 51 về việc hỗ trợ triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận đạt chất lượng từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP với mức hỗ trợ theo hóa đơn thực tế và tối đa không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu; hỗ trợ chi phí in ấn tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm theo hình thức hỗ trợ 1 lần/sản phẩm.

Bên cạnh đó, các huyện miền núi cần tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm và duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm sau công nhận. Khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số để quảng bá, mở rộng thị trường cho sản phẩm. Đối với các chủ thể, cần thay đổi tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng, chú trọng hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường theo hướng đa dạng các kênh phân phối; xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, bảo đảm cung ứng theo yêu cầu của thị trường.

Thu Thủy
Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc – vinhphuc.gov.vn