Vĩnh Long phát triển du lịch gắn với làng nghề

Vĩnh Long là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề tồn tại hàng trăm năm, mang dấu ấn văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc vùng Nam bộ xưa. Đây là cơ sở, tài nguyên quý giá để Vĩnh Long có thể đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với các làng nghề.


Bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) được làm thủ công nên có độ mỏng, ngon, dẻo đặc trưng. Ảnh Phương Nghi

Hiện Vĩnh Long có gần 100 làng có nghề và làng nghề đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Trong đó, có 28 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận; có thể kể đến một số làng nghề nổi tiếng được đông đảo du khách biết đến như làng nghề bánh tráng cù lao Mây (huyện Trà Ôn), làng nghề tàu hủ ky (TX. Bình Minh), làng nghề đan thảm lục bình (huyện Tam Bình), làng nghề trồng lác và chế biến sản phẩm từ cây lác (huyện Vũng Liêm), làng nghề sản xuất gạch, gốm mỹ nghệ (huyện Long Hồ, Mang Thít), làng mai Phước Định (huyện Long Hồ)…

Cùng với sự phát triển của xã hội, làng nghề ngày nay không chỉ mang đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, mà còn thu hút khách du lịch. Khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống theo hướng du lịch mang đến hiệu quả kép: vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế – xã hội.

Nằm giữa sông Hậu, có làng nghề bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) được xem là đặc sản của tỉnh Vĩnh Long. Làng bánh tráng cù lao Mây cuốn hút du khách bởi những liếp bánh phơi thẳng tắp. Những chiếc bánh trắng mịn, mỏng tang, tròn đều được làm bởi những người thợ khéo tay. Bánh tráng cù lao Mây nổi tiếng vì cách chế biến tinh tế được truyền qua bao thế hệ. Người thợ phải tỉ mỉ, chịu khó và khéo léo mới làm nên những chiếc bánh dẻo, đều tay và ngon. Bánh tráng cù lao Mây có nhiều loại bánh tráng trắng, bánh tráng dẻo, bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa (pha thêm nước cốt dừa, mè)…

Ông Lương Văn Thông, Giám đốc HTX sản xuất bánh tráng cù lao Mây cho biết: “Làng nghề hình thành 100 năm, hiện làng nghề có 71 hộ dân đang sản xuất bánh tráng phục vụ quanh năm, nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Bánh không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng mà còn nhiều địa phương khác, bởi cách làm thủ công, vị ngon, mang đậm chất quê hương. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm tham gia xay bột, tráng bánh, phơi bánh….”.


Làng nghề truyền thống gốm đỏ dọc theo các con sông tại huyện Long Hồ và huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) điểm đến trải nghiệm khám phá của du khách. Ảnh Phương Nghi

Dọc theo các con sông tại huyện Long Hồ và huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) có làng nghề truyền thống gốm đỏ nổi tiếng, được mệnh danh là “Vương quốc gốm đỏ” với trên 500 lò nung nằm san sát đã tạo ra hàng ngàn sản phẩm gốm, mỹ nghệ xuất khẩu. Hàng năm, chỉ tính riêng nghề làm gốm đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động…Đây là một kho báu lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn 100 năm từ sự giao thoa văn hóa, kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo.

Với nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề tồn tại hàng trăm năm, mang dấu ấn văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc vùng Nam bộ xưa, tỉnh Vĩnh Long xác định, đây là một trong những lợi thế để phát triển kinh tế du lịch. Du lịch Vĩnh Long đang hướng đến mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2025, tăng trung bình 9%/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 lượng khách tăng trung bình tăng 10%/ hàng năm, doanh thu tăng bình quân 30%/năm. 

Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: Với lợi thế tiềm năng du lịch homestay, du lịch sinh thái sông nước, du lịch làng nghề, di tích lịch sử, văn hóa, Vĩnh Long đang dần khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Theo đó ngành Du lịch Vĩnh Long tập trung xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù theo Đề án của UBND tỉnh phê duyệt là Du lịch homestay, Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Làng nghề, Du lịch Văn hóa. Trong đó, có 02 sản phẩm trọng điểm tập trung xây dựng là sản phẩm du lịch “Vương quốc lò gạch” ở huyện Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng cù lao (cù lao An Bình, cù lao Mây, cù lao Dài); bổ sung các sản phẩm gắn liền với các dịch vụ giúp tăng nguồn thu từ du lịch như mua sắm, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật như sản phẩm “Về Vĩnh Long xem hát bội”, nghệ thuật đờn ca tài tử…

“Đồng thời, kết nối với nguồn khách xuất phát từ TP. Cần Thơ với tuyến du lịch sông Hậu là du lịch sinh thái với tham quan các di tích, di sản văn hoá phi vật thể với các điểm đến làng nghề Tàu hũ ky (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh), Bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn), Bánh tráng giấy Tường Lộc (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình)… ” – ông Phan Văn Giàu chia sẻ.

Làng nghề truyền thống là bản sắc văn hóa khó lầm lẫn nên việc gìn giữ và phát triển nó cần được quan tâm đúng mức. Hy vọng ngành du lịch Vĩnh Long sẽ có những giải pháp cụ thể, thiết thực để làng nghề được vực dậy, phát triển bền vững./.

Phương Nghi
Báo điện tử ĐCSVN – dangcongsan.vn