Cây trồng hiệu quả kinh tế cao
Những năm qua, ở huyện Lạc Thủy, nhiều nông dân đã nhạy bén chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp, làm gia tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tiêu biểu có mô hình trồng na dai tại xã Đồng Tâm, với diện tích tập trung nhiều nhất ở thôn Đồng Bong.
Do có khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, nên từ lâu, quả na ở thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) được nhiều người biết đến với quả to đều, thịt dai có vị ngọt, thơm ngon đặc trưng, không phải nơi nào cũng có được.
Khu vực Đồng Bong có thổ nhưỡng và khí hậu lý tưởng để trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP với sản phẩm na dai OCOP 3 sao. (Ảnh: Kim Chiến) |
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng na, những năm qua, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống na dai cho hiệu quả kinh tế cao.
“Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, thời gian qua, xã đã thay thế các cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống na dai. Sau một thời gian sản xuất, cây na đang tỏ rõ là một trong những cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương” – Chủ tịch Nguyễn Văn Ngọc nói.
Chúng tôi đến thăm vườn na ngay lưng chừng dốc Đồng Bong của gia đình anh Phạm Văn Hùng, khi anh và vợ là chị Nguyễn Thị Hiền đang tất bật chăm sóc vườn na dai 500 gốc đang vào độ đậu quả. Vườn na nhà anh chị một năm cho thu hoạch khoảng 200 triệu đồng. Anh Hùng cho hay, trồng na thường vất vả 3 tháng trong năm, đó 1 tháng đầu vụ, tháng giữa vụ và tháng cuối vụ là phải chăm sóc liên tục đến khi cho đến khi thu hoạch quả. Thời gian còn lại anh chị lại kiếm việc làm thêm.
Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng na, khu vườn hơn 2 héc-ta của ông Đào Văn Hùng, thôn Đồng Bong với khoảng 1.000 gốc đã cho trái ngọt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, có những cây na cho thu 40-50 kg quả/vụ, tính cả 2 vụ khu vườn có thể thu 18-20 tấn na/năm, qua đó đem lại thu nhập cho gia đình gần 400 triệu đồng/năm.
“Từ khi chuyển đổi sang trồng na, kinh tế gia đình tôi ngày càng khấm khá. Với giá bán trung bình từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 50.000 đồng/kg, thị trường ổn định, cây na đang là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi” – ông Hùng chia sẻ.
Thời điểm này người trồng na ở Đồng Bong đang tất bật chăm sóc các diện tích na đang vào độ đậu quả. (Ảnh: Kim Chiến) |
Nói về kỹ thuật chăm sóc na, ông Hùng cho biết: “Với điền kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, do đó, cây na ở Đồng Bong phát triển khá tốt. Trồng na không cần kỹ thuật phức tạp, nhưng đòi hỏi công chăm sóc có thời điểm phải liên tục. Ngoài bổ sung phân bón, nước tưới, cần cắt, tỉa cành thường xuyên để na cho trái to, đậu quả đúng thời điểm. Tỉa lá cho thoáng tán cây trước khi ra hoa khoảng 1 tháng sẽ tránh được nhiều loại sâu bệnh. Quá trình sản xuất, chúng tôi cùng thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng na do địa phương tổ chức để nâng cao tay nghề, giúp cây na ngày càng cho năng suất cao hơn”.
Theo số liệu thống kê của xã Đồng Tâm, hiện nay toàn địa phương có gần 50 héc-ta na với hơn 50 hộ trồng, chủ yếu ở thôn Đồng Bong, hộ trồng ít vài nghìn m2, hộ trồng nhiều 1-2 ha với hàng nghìn gốc na. Đây là cây trồng không mới ở xã, tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhu cầu thị trường và giá bán na đều tăng, thương hiệu trái na của địa phương dần được nhiều người biết đến.
Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, xã Đồng Tâm đã xây dựng kế hoạch, triển khai đăng ký sản phẩm “na Đồng Tâm” đặc trưng của địa phương. Việc phát triển sản phẩm OCOP nhằm mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao gắn với thế mạnh của địa phương, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn, việc đăng ký sản phẩm OCOP nhằm từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong canh tác, sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Những trái na ở Đồng Bong “lớn nhanh như thổi” đang hứa hẹn một mùa bội thu cho các chủ vườn. (Ảnh: Kim Chiến) |
Sản xuất na trái vụ gia tăng thu nhập
Nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ cây na, thời gian gần đây nhiều người dân ở thôn Đồng Bong tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do đó ngoài vụ chính, người dân nơi đây còn được thu nhập vụ na thứ 2, hay còn gọi là na trái vụ, và nhờ vụ thứ 2 này, thu nhập của nhiều hộ dân đã tăng lên đáng kể, cây na tiếp tục khẳng định vị thế là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân địa phương, và quan trọng hơn là khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ về vườn na trái vụ năm nay của gia đình, anh Trần Văn Hạ, ở thôn Đồng Bong dự kiến thu về thêm 130 triệu đồng. Trồng na trên đất đồi dốc hơn 10 năm qua, năm nay là năm thứ 6 gia đình anh chị áp dụng biện pháp kỹ thuật để cây na ra quả trái vụ. Với mùa na trái vụ, hầu như gia đình anh Hạ không phải đem hàng đi bán, mà tư thương tự xếp hàng đến tận nhà thu mua.
Theo phân tích của một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Thủy, đất ở khu vực Đồng Bong này là đất đá, sạch và mát nên phù hợp để cây na phát triển. Thời điểm na vụ 2 trong năm thường ít mưa, lấy quả trong thân nên quả to, chất lượng đảm bảo, ngọt hơn na vụ chính.
Na dai ở Đồng Bong ngày càng khẳng định được thương hiệu của một sản phẩm OCOP 3 sao. (Ảnh: Kim Chiến) |
Nói về na trái vụ, Chủ tịch xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Ngọc nhấn mạnh: Để na ra hoa trái vụ, người dân phải bón 3 đợt phân trong năm, cắt bỏ bớt hoa chính vụ, cắt tỉa cành, tuốt lá để kích thích cây đâm chồi mới và ra hoa trái vụ. Khi nụ hoa nở hé phải thụ phấn thủ công để tăng tỷ lệ đậu quả, đồng thời giúp quả na to, tròn, đều, đẹp. Do áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng theo hướng VietGAP nên sản phẩm na Đồng Tâm luôn có chất lượng tốt, thơm, độ ngọt cao, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khẳng định được thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích bà con đẩy mạnh áp dụng kinh nghiệm, kiến thức khoa học để chăm sóc cây na đảm bảo tính bền vững, chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích trồng na ở những khu vực điều kiện đất đai phù hợp. Đồng thời tham mưu cấp trên xây dựng các mô hình trồng na tiêu biểu, làm điểm để nhân rộng mô hình ra một số địa bàn phù hợp trong huyện. Tiếp tục quan tâm vấn đề sản xuất theo chuỗi, đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương” – Chủ tịch xã Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm./.