Tham quan rừng U Minh Thượng
Khám phá đất rừng Phương Nam
Trước kia, vùng rừng U Minh Thượng tên là “Thập Câu” vì có 10 con rạch lớn xếp hàng chảy ra vịnh Thái lan. Hơn 300 năm trước, những cư dân vùng đồng bằng sông Hồng đã đến đây khai phá. Những năm tháng khai hoang, mở đất, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc nên tính cách người U Minh Thượng: cần cù chịu khó, nghĩa khí can trường, sống hào phóng như thiên nhiên vùng đất cực nam Tổ quốc. Đây cũng là nơi nhà văn Đoàn Giỏi đi thực tế để viết tác phẩm nổi tiếng Đất rừng Phương Nam.
Khoảng cách từ cổng VQG U Minh Thượng vào hồ Hoa Mai, nơi xuất phát của những chuyến khám phá sâu trong rừng, khoảng bốn ki-lô-mét. Xe ô-tô đang bon bon trên con đường bê-tông bất ngờ giảm tốc khi nhìn thấy tấm biển: “Chú ý: động vật hoang dã qua đường”. Ngay lập tức chúng tôi nhìn thấy một bầy, hai bầy, rồi cả một đàn khỉ đang nhẩn nha chơi ven đường, y như đây là vương quốc riêng của chúng. Đàn khỉ lên tới hàng trăm con: khỉ ông, khỉ bố, khỉ mẹ ôm khỉ con…, đều rất dạn người.
Hồ Hoa Mai đúng như tên gọi của nó, mang hình dáng một đóa hoa mai năm cánh. Có người nói, đó là vết tích của những hố bom do Mỹ ném xuống trong những trận chiến ác liệt thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Chung quanh hồ, cây lá tươi tốt, tạo thành một vành đai xanh mát. Nước hồ không thật trong, nhìn chung kênh rạch ở đây đều có mầu nước dưa vì là nước úng phèn trên vùng đất than bùn. Giữa hồ có những tán cây to, hình tròn, tạo thành một nhụy hoa khá đẹp mắt.
Chiếc vỏ lãi (thuyền gắn máy) rồ ga đưa chúng tôi đến địa điểm đầu tiên: Trảng Chim. Trên kênh, rạch, lục bình, bèo hoa dâu, tai tượng phủ kín mặt nước. Bèo dày tới mức những con chim hoang dã mang bộ lông sặc sỡ có thể đi bộ trên mặt bèo kiếm ăn. Thi thoảng chúng tôi gặp những chiếc thuyền câu. Người câu trùm quần áo kín mít từ đầu tới chân để chống lại những con muỗi hung dữ. Người lái thuyền cho biết, những năm gần đây, câu cá là hoạt động nằm trong chuỗi du lịch sinh thái, khám phá, thu hút nhiều du khách từ các thành phố lớn, mang lại nguồn thu đáng kể từ dịch vụ lưu trú.
Thuyền chạy khoảng 30 phút thì đến Trảng Chim. Bốn bề mênh mông nước. Lau, cỏ lác cao ngang mặt người. Chúng tôi đi trên những “con đường” ngoằn ngoèo, có thể gọi là những cây cầu khỉ, ghép bằng gỗ tạp tiến về đài quan sát cao khoảng 30 mét. Từ trên cao, phóng tầm mắt ra bốn phía, hít căng lồng ngực không khí trong lành, tận hưởng cái bao la, sảng khoái của thiên nhiên, đất trời. Trời xanh, bồng bềnh mây trắng. Hàng ngàn con chim lớn đậu trên những ngọn cây cao, thi thoảng tung cánh bay lên, làm thành những vũ điệu hoang dã và quyến rũ. Tiếc vì không mang theo ống nhòm cho nên ở khoảng cách xa, chúng tôi không quan sát hết được vẻ đẹp của chúng.
Từ Trảng Chim, chúng tôi di chuyển sang Trảng Dơi, một trong những địa điểm không thể bỏ qua ở VQG. Ban ngày là thời gian dơi ngủ. Hàng nghìn con dơi treo mình trên những ngọn cây cao, trông giống như những chùm quả lạ. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc trước kích thước to lớn của chúng. Người lái thuyền kiêm hướng dẫn viên giải thích, đó là loài dơi ngựa Thái lan khổng lồ, quý hiếm, có sải cánh hàng mét. Thức ăn của chúng là hoa quả, mật ong rừng. Ở U Minh Thượng có một nghề truyền thống là “gác kèo, ăn ong”. Đầu xuân, người dân lấy cây làm kèo, mang ra những khu rừng tràm, gác lên để ong bay về làm tổ. Sau 15 ngày, kể từ khi ong xuống làm tổ sẽ cho thu hoạch đợt mật đầu tiên. Một tổ ong có thể lấy mật được ba, bốn lần; tổ lớn có thể thu được 15 đến 20 lít mật. Mật ong rừng tràm U Minh vốn nổi tiếng ngon, bổ, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Rời Trảng Dơi, con thuyền đưa chúng tôi len lỏi qua những kênh rạch trở về hồ Hoa Mai. Chúng tôi như đi trong mê cung sông nước mà nếu không có người lái thuyền thì chẳng thể tìm được lối ra. Anh kể, sau vụ cháy rừng khủng khiếp hơn nửa tháng trời năm 2002, người ta đã đào đắp thêm nhiều nhánh kênh rạch. Vì đây là vùng đất than bùn, mùa khô rất dễ bắt lửa nên hệ thống kênh giúp giữ nước vào mùa khô, phân lập các khu để thuận tiện trong việc xử lý cháy rừng nếu xảy ra. Kênh cũng mở rộng môi trường sinh sống cho các loài cá và động vật sống nhờ sông nước, đồng thời hình thành mạng giao thông thuận lợi phục vụ du lịch. Ven các dòng kênh, cây cỏ xanh um. Người lái thuyền cười, chỉ tay vào đám cỏ nói, đó là nơi ở của lợn rừng, rái cá, rùa, trăn… khiến mọi người đều nhấp nhổm, tay lăm lăm máy ảnh, điện thoại, hy vọng có thể chộp được những khoảnh khắc, bức ảnh độc.
Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái
Sau một ngày khám phá, chúng tôi được thưởng thức một bữa ăn đặc phong cách Nam Bộ gồm: lẩu mắm, lươn xào, cá lóc nướng, trê đồng om… với nhiều loại rau lạ lẫm, nhưng rất ngon trong ngôi nhà theo kiểu du lịch homestay. Ông Năm, chủ nhà là một người hài hước, chu đáo và mến khách. Ông từng nhiều năm làm giám đốc VQG U Minh Thượng. Từ khi nghỉ hưu, ông lập nên ngôi nhà này để phục vụ du khách và cũng để luôn được ở gần khu vườn. Ông gọi điện thoại mời các đồng nghiệp trẻ đang là Phó giám đốc VQG và Hạt phó hạt kiểm lâm của VQG tới chung vui, theo tinh thần bữa cơm gia đình. Chúng tôi có một buổi giao lưu, thưởng thức những bài vọng cổ sâu lắng và lãng mạn do chính những “nghệ nhân nông dân”, là hàng xóm của chủ nhà biểu diễn. Nhưng câu chuyện làm du lịch mới là chủ đề chính của buổi giao lưu.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến giữa 2017, VQG U Minh Thượng đón và phục vụ 348.131 lượt khách, trung bình đạt hơn 46.400 lượt du khách/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hằng năm đạt 16,71%. Lượng du khách tham quan VQG chỉ chiếm 1,16% so với tổng khách du lịch của tỉnh Kiên Giang; tổng doanh thu chỉ đạt hơn 17 tỷ đồng, trung bình 2,2 tỷ đồng/năm; so với tổng doanh thu từ du lịch trong toàn tỉnh Kiên Giang, thì con số này chỉ chiếm 0,12%. Rõ ràng kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của U Minh Thượng.
Thực tế này đã dẫn tới sự ra đời của đề án “Phát triển du lịch sinh thái VQG U Minh Thượng giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái (DLST), đưa VQG U Minh Thượng trở thành một trong những VQG tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam.
Từ đề án này, VQG U Minh Thượng tập trung triển khai các loại hình DLST hấp dẫn như: Tham quan thiên nhiên rừng tràm, khu sân chim, máng dơi hệ sinh thái đầm lầy đất ngập nước kết hợp quan sát động vật hoang dã ban đêm; khám phá các sinh cảnh đầm lầy, tham quan nơi phân bố, kiếm ăn của nhiều loài chim nước trong mùa mưa và nhất là vào mùa khô; kết hợp du lịch với nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng Tràm úng phèn trên đất than bùn, nơi duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái này. Ưu tiên cho phát triển DLST cộng đồng homestay để du khách khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng làm, cùng sống với người dân vùng đệm như tát ao, bắt cá, thu hoạch trái cây; cùng chủ nhà nấu những món ăn dân dã, nghe và tập hát đờn ca tài tử…, theo phương châm ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Bên cạnh đó, DLST vui chơi, giải trí trong VQG cũng là một sản phẩm vô cùng hấp dẫn du khách như: câu cá, bơi thuyền, cắm trại, ngắm hoàng hôn… Với các đặc thù của thiên nhiên ngập nước, trong mùa mưa không chỉ đi lại bằng xuồng trên các kênh rạch mà còn có thể luồn lách, len lỏi trong các khu rừng, càng đi sâu vào trong, du khách càng khám phá ra những điều bí ẩn của rừng tràm, những tổ chim, tổ ong, đặc biệt là các loài cá kiếm ăn, sinh sản trong rừng. Đến đây vào mùa tràm nở hoa thì toàn bộ khu rừng ngan ngát mùi hương tràm.
Để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia làm du lịch, một trong những chủ trương mang tính đột phá là cho thuê môi trường rừng. Việc cho thuê phải không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã cũng như bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ở địa phương; thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ phát triển rừng; bảo vệ môi trường, du lịch, di sản và quy chế quản lý khu rừng đặc dụng. Cộng đồng dân cư ở địa phương được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động DLST để nâng cao thu nhập cũng như nhận thức, đồng thời có trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Sự tham gia của người dân bản địa sẽ góp phần phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành nghề thủ công truyền thống và sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ du khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Từ chính sách đến cuộc sống là một hành trình, dài hay ngắn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cả chủ quan, lẫn khách quan. Đến năm 2019, DLST ở VQG U Minh Thượng đã có những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Chỉ trong chín tháng đầu năm, VQG đã đón tiếp 45.249 lượt du khách đến tham quan và câu cá giải trí; doanh thu đạt 4,65 tỷ đồng. Số lượng khách trong ba quý đã tương đương với lượng khách trung bình cả năm của giai đoạn trước, còn doanh thu thì đạt gấp đôi. Đồng chí Phó hạt trưởng kiểm lâm cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng đã được hạt tăng cường tuần tra, kiểm soát, chống người xâm nhập vào rừng trái phép. Chín tháng đầu năm, hạt đã tổ chức 654 cuộc tuần tra với 4.399 lượt lực lượng tham gia, chỉ phát hiện một trường hợp vi phạm. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng duy trì phối hợp với hạt kiểm lâm liên huyện Vĩnh Thuận – U Minh Thượng, công an hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận chủ động nắm tình hình, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh, tố giác những người vi phạm vào rừng trái phép, ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật hoang dã ngoài vùng đệm…
VQG U Minh Thượng, khu rừng tràm trầm thủy lớn nhất nước ta, có hệ thống động thực vật vô cùng phong phú; là khu ramsar thứ tám của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới; một trong ba vùng bảo tồn của Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại tỉnh Kiên Giang. Đến đây và tận mắt thấy tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, du lịch đang được đánh thức, mang lại những tín hiệu vui về mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội cho miền đất hấp dẫn tuyệt vời ở cực nam Tổ quốc.
Bài và ảnh: Hữu Việt