Phát huy giá trị
Thời điểm này, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn – Tuyên Quang) đang vào vụ sản xuất chè xuân và cũng là thời điểm hợp tác xã đón lượng khách du lịch đến trải nghiệm nhiều nhất. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, kể từ khi các sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy, chè lạnh Ngọc Thúy, chè Bát Tiên của hợp tác xã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 – 4 sao không những được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, khách du lịch cũng ghé thăm nhiều hơn. Anh Sử kể, sản xuất chè, đặc biệt đối với các sản phẩm chè đặc sản rất kỳ công. Đối với chè lạnh Ngọc Thúy, từ quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản đều phải thực hiện theo một quy chuẩn ngặt nghèo. Để có sản phẩm chè chất lượng, chè nguyên liệu phải được thu hái từ sáng sớm, việc thu hái hoàn toàn thủ công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn 1 tôm, 2 lá. Chè được thu hái xong sẽ được đưa vào làm héo và chế biến. Nếu như chè mạn, quá trình sao, sấy được thực hiện liên tục đến khi chè đạt độ ẩm bằng 0 nhưng với chè lạnh chỉ thực hiện khi độ ẩm trong chè ở ngưỡng 40% để giữ được vị tươi của chè xanh nhưng vẫn có hương của chè mạn. Quy trình sản xuất ngặt nghèo đã tạo ra hương vị riêng của chè lạnh Ngọc Thúy và điều này thu hút và gây sự tò mò của người tiêu dùng, du khách.
Du khách đến thăm vườn chè đặc sản Ngọc Thúy của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn)
Bà Lâm Thị Nhuận, 53 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) như thỏa niềm ao ước khi được đặt chân đến đồi chè đặc sản ngút tầm mắt, được trải nghiệm quy trình làm chè. Bà Nhuận chia sẻ, bà rất vui được trực tiếp hái chè cùng công nhân, được tự mình chế biến chè lạnh, loại chè độc đáo nhất trên thị trường hiện nay. Nhâm nhi hương vị chè trên chính đất chè, rồi tắm suối khoáng và thưởng thức thêm món cơm lam thật thú vị. Bà Nhuận khẳng định, bà sẽ giới thiệu với bạn bè, cùng họ trở lại Phú Lâm, Mỹ Bằng để nghỉ dưỡng và thưởng thức hương vị chè lạnh độc đáo này.
Theo đồng chí Lê Việt Anh, Chủ tịch UBND phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang), phường đang kết nối với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sử Anh để hình thành chuỗi du lịch trải nghiệm – nghỉ dưỡng. Phường cũng xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP cơm lam Phú Lâm đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực địa phương của du khách.
Tại huyện Na Hang, việc quảng bá sản phẩm OCOP cũng đang gắn chặt với hoạt động du lịch. Theo chị Phạm Thị Hoài, Giám đốc Hợp tác xã Làng Chài (Na Hang), nếu như trước đây cá đặc sản lòng hồ chỉ được giao buôn cho thương lái về các chợ đầu mối thì nay đã xây dựng thành thương hiệu để phục vụ hoạt động du lịch. Lợi thế lòng hồ thủy điện hùng vĩ và các sản phẩm cá đặc sản đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, thưởng thức. Chị Hoài nói, ngày thường hợp tác xã đón khoảng 40 – 60 khách du lịch, ngày lễ Tết đón khoảng 200 – 250 khách.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã có 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với 200 sản phẩm OCOP được gắn sao bán tại các điểm du lịch. Sự phát triển của sản phẩm OCOP đã tạo làn gió mới cho kinh tế nông thôn, thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời kích thích hoạt động du lịch nông thôn phát triển. Nhiều chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng gắn với vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành.
Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Thanh Tương (Na Hang) chia sẻ, phát triển sản phẩm OCOP kết hợp với hoạt động du lịch đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Điển hình như 23 hộ dân trong xã liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ Tâm Hương sản xuất kết hợp với làm du lịch nông nghiệp có thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Kích thích nhu cầu mua sắm
Trong chương trình phát triển sản phẩm OCOP đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có trên 230 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên và việc phát triển sản phẩm OCOP được gắn liền với việc xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi đang được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển cho khu vực kinh tế nông thôn, để thu nhập của người dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ. Thông qua phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cũng bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Khách du lịch trải nghiệm câu cá lăng trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang
Ngày 25-4 sắp tới, tỉnh tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề năm 2024. Với 100 gian hàng, trong đó có nhiều các gian hàng của các cơ sở sản xuất, chế biến, hợp tác xã trong tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên sẽ được giới thiệu, quảng bá. Các gian hàng được tổ chức hưởng ứng Năm Du lịch Tuyên Quang với nhiều các hoạt hoạt động văn hóa; các tour, tuyến du lịch chắc chắn sẽ tạo ra những đột phá cho sản xuất nông nghiệp.
Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của tỉnh. Qua đó, kích thích nhu cầu mua sắm của du khách, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh đến mọi miền đất nước. Thông qua dịch vụ mua sắm, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP được mở rộng, đây là hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ hiệu quả, giảm chi phí mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
Báo Tuyên Quang – baotuyenquang.com.vn