TP Lai Châu nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Thời gian qua, thành phố Lai Châu triển khai có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (Chương trình OCOP), tạo động lực để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững. Cũng như các địa phương trên địa bàn, phường Đoàn Kết tập trung phát triển các sản phẩm OCOP phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng tới từng bước xây dựng những mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Công ty Cổ phần truyền thông và thương mại dịch vụ Tây Bắc TV (địa chỉ 264, đường Trần Hưng Đạo) xây dựng thành công 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp, bò khô và chẩm chéo; ngoài ra còn có sản phẩm viên hà thủ ô, cao cà gai leo… Công ty chú trọng nâng cao chất lượng, đầu tư mẫu mã, bao bì để giữ uy tín và mở rộng thị trường. Ngoài tích cực tham gia các hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đơn vị còn đẩy mạnh hoạt động giao dịch trên sàn thương mại điện tử; trang mạng xã hội như: zalo, facebook, tiktok…

Anh Khắc Tuấn Anh – Quản lý Công ty cho biết: Chúng tôi xây dựng đa kênh bán hàng với hàng triệu người theo dõi. Trong đó, đăng tải video về quy trình sản xuất, đầu vào nguyên liệu, giấy chứng nhận để khách hàng đặt niềm tin, đặt mua sản phẩm.

Hơn 10 năm nối nghiệp gia đình, cơ sở sản xuất giò lụa Dung Lương ở tổ dân phố số 3 không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, nâng tầm thương hiệu của sản phẩm OCOP 3 sao. Do đặc thù nghề làm giò lụa đại trà ở nhiều nơi, mức độ cạnh tranh thị trường lớn, để tạo thương hiệu riêng, cơ sở tỷ mỷ, cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu, cách thức chế biến; gói giò bằng lá chuối giúp tạo thêm độ thơm, dậy mùi. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 200-300kg giò, cung cấp cho nhiều nhà hàng, đơn vị trường học ăn bán trú trên địa bàn tỉnh.


Người lao động Công ty Cổ phần truyền thông và thương mại dịch vụ Tây Bắc TV đóng gói sản phẩm viên hà thủ ô chuyển tới khách hàng.

Chị Bùi Thị Thực – Chủ cơ sở giò lụa Dung Lương chia sẻ: Xác định xây dựng sản phẩm OCOP phải luôn đảm bảo về chất lượng, tôi đặc biệt quan tâm khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Quá trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng cầu kỳ, bắt mắt hơn. Hiện tại, sản phẩm giò của cơ sở được khách hàng trong tỉnh tin chọn.

Từ khi triển khai Chương trình OCOP, nhận thức của các tổ chức kinh tế tập thể, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể trên địa bàn phường Đoàn Kết thay đổi tích cực, hiểu rõ ý nghĩa của chương trình và tận dụng tài nguyên sẵn có của địa phương để sản xuất hàng hóa. Với 19 sản phẩm OCOP 3 sao của 6 cơ sở sản xuất, hộ cá thể trên địa bàn, phường Đoàn Kết là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất trong 7 xã, phường của thành phố. Phường đang tiếp tục xây dựng và đăng ký thêm 7 sản phẩm để đánh giá phân hạng OCOP vào cuối năm 2024.

Ông Vũ Thế Hải – Phó Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền phường rất mong các cấp, ngành quan tâm, là cầu nối đưa các sản phẩm chủ lực của phường cũng như thành phố vươn xa hơn. Về các thủ tục hồ sơ đăng ký phân hạng sản phẩm OCOP, phường luôn sát sao để hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện đảm bảo đúng quy định và thời gian.

Đạt tiêu chuẩn OCOP, các sản phẩm cần được hoàn thiện hơn về nhãn mác, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc… Trên cơ sở đó, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các chuỗi giá trị, siêu thị để tạo được sự tin tưởng của khách hàng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu và bảo đảm phát triển bền vững. Với những kết quả đạt được, tin rằng, thời gian tới, thành phố nói chung, phường Đoàn Kết nói riêng sẽ có thêm nhiều hơn sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cũng như sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu riêng.

Nguyễn Hương
Báo Lai Châu – baolaichau.vn