Diện mạo Khe Phương bừng sáng với mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp Farm
Đến Khe Phương trải nghiệm đạp xe tham quan bản làng, tìm hiểu về cuộc sống của người dân, tự tay hái măng rừng, ông Brian Carlin, du khách người Anh, không khỏi ngạc nhiên: “Tôi không nghĩ rằng, Hạ Long lại có khu vực miền núi đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số đến vậy. Có rất nhiều trải nghiệm hấp dẫn và thú vị tại đây mà tôi nghĩ rất nhiều du khách sẽ thích thú”.
Khe Phương là thôn vùng sâu, vùng xa của TP Hạ Long, có 45 hộ dân, 186 nhân khẩu, 100% người dân là đồng bào Dao Thanh Phán. Trước đây, người dân chỉ phụ thuộc vào sinh kế chính là trồng rừng, làm lâm nghiệp và chăn nuôi. Đổi thay tại Khe Phương bắt đầu từ những năm 2010, khi lần lượt các công trình hạ tầng giao thông, viễn thông được đầu tư và hoàn thiện, phá vỡ thế biệt lập của Khe Phương.
Đặc biệt, năm 2021, khi mô hình nhà sàn lưu trú cộng đồng được thiết kế theo văn hóa người Dao được dựng trên mảnh đất của gia đình trưởng thôn Bàn Văn Vy với quyết tâm của người trưởng thôn trẻ, đã đánh dấu sự đổi mới về tư duy của người dân nơi đây. Người Dao ở Khe Phương giờ đây không chỉ trông vào rừng mà bắt đầu học cách làm dịch vụ, du lịch, học cách quảng bá để đưa khách du lịch về khám phá, nghỉ dưỡng ở Khe Phương.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền thúng tại hồ Hạnh Phúc, thôn Khe Phương
Năm 2022, sau khi ngôi nhà sàn cộng đồng hoàn thành, lần lượt các sản phẩm tham quan và điếm đến cũng được hoàn thiện. Giờ đây, đến với Khe Phương du khách sẽ được hướng dẫn viên là người dân địa phương đưa đi tham quan bản làng, nơi có những nếp nhà truyền thống còn được giữ gìn nguyên vẹn, tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương; tham quan rừng trúc và chiêm ngưỡng “thần mộc” canh giữ cho ngôi làng; đến hồ Hạnh Phúc chèo bè tre hay chèo sup, cắm trại bên bờ suối. Đặc sắc nhất là họ được tìm hiểu về nghệ thuật thêu của phụ nữ Dao Thanh Phán, ngắm những cô gái người Dao duyên dáng trong điệu múa chuông và chơi ném còn ngay tại khoảnh sân rộng rãi trước nhà sàn.
Người dân và du khách cùng trồng cây để tạo cảnh quan tại thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng)
Mô hình du lịch cộng đồng đi vào hoạt động ổn định không chỉ tạo sản phẩm du lịch mới cho TP Hạ Long mà còn tạo công ăn việc làm ổn định và thu nhập tăng thêm đáng kể cho người dân địa phương. Anh Bàn Văn Vy, Trưởng thôn Khe Phương, chia sẻ: “Am Váp Farm hiện đang tạo công việc toàn thời gian cho 6 lao động với mức lương từ 7-8 triệu đồng/người/tháng, tất cả đều được đóng bảo hiểm. Ngoài ra, vào mùa cao điểm du lịch như mùa hè, chúng tôi cũng thuê người dân trong thôn làm việc bán thời gian, làm thời vụ với mức lương 300.000-400.000 đồng/ngày. Những hộ gia đình tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng cũng được hỗ trợ, chẳng hạn như với điểm tham quan nhà cổ của người Dao, chúng tôi không chỉ tư vấn, giúp sửa sang nhà mà còn có khoản hỗ trợ hàng tháng, để bà con yên tâm cùng tham gia làm du lịch”.
Với những người đã gắn bó cả đời với Khe Phương như ông Bàn Sinh Chòi (70 tuổi, già làng của Khe Phương) những đổi thay là điều mà cả đời ông không bao giờ nghĩ tới. Ông Chòi tự hào chia sẻ: “Lớp trẻ bây giờ giỏi lắm. Các con, các cháu làm được những việc mà chúng tôi không làm được. Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ mọi người sẽ đổ về Khe Phương như vậy. Thời chúng tôi chỉ thấy khó, thấy nghèo rồi bỏ vùng đất này mà đi thôi. Kỳ diệu lắm chứ!”.
Được biết, Kỳ Thượng Am Váp Farm đang đẩy nhanh việc kết nối, phấn đấu đưa khách du lịch tàu biển từ trung tâm Hạ Long về đây. Khi tour du lịch kết nối đưa khách từ biển lên rừng thành công, diện mạo của “làng du lịch” Khe Phương sẽ càng đổi khác. Khe Phương rồi đây sẽ trở thành một công viên rừng và điểm đến văn hóa đặc sắc trong tương lai không xa.
Đào Linh
Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn