Đồng bào Khmer vui lễ cúng trăng ở chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu)
Giàu tiềm năng, thế mạnh
DLCĐ là loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách những nét đặc trưng của địa phương. Ở 3 xã vùng ven của TP. Bạc Liêu thì đó chính là những cảnh đẹp về vườn nhãn cổ, cây xoài 300 năm tuổi, các công trình kiến trúc của đồng bào người Hoa như chùa, miếu, nhà cổ, hay chùa Xiêm Cán với kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer cùng những giá trị văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc trên vùng đất giồng ven biển. Đây được xác định là những tài nguyên quý và chất liệu để xây dựng thành công mô hình DLCĐ khi đã hội tụ các giá trị về vật chất, tinh thần của một loại hình du lịch đã và đang phát triển. Đồng thời, trở thành xu thế chung trong phát triển du lịch văn hóa gắn với tài nguyên về thiên nhiên.
DLCĐ dựa trên sự tò mò, mong muốn khám phá và trải nghiệm của khách du lịch nhằm tìm hiểu thêm về cuộc sống hằng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau. Qua đó, DLCĐ sẽ liên kết với người dân thành thị đến các vùng nông thôn để thưởng thức cuộc sống tại đó trong một khoảng thời gian nhất định. Đó có thể là nghề làm rẫy, tục cúng cuối năm, lễ tạ Thần của đồng bào người Hoa. Hoặc lễ cúng trăng, lễ dâng y… gắn với không gian văn hóa chùa chiền của đồng bào Khmer ở chùa Xiêm Cán và trở thành trung tâm lễ hội thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, đắm mình trong giai điệu của nhạc ngũ âm cùng điệu múa lăm-thol.
Du khách có thể trải nghiệm bắt tôm và chế biến các món ngon từ con tôm (ảnh dưới). Ảnh: K.T
Mô hình mang lại nhiều lợi ích
Cùng với thế mạnh về văn hóa, ở 3 xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành còn hội tụ những tiềm năng và thế mạnh khác cho phát triển DLCĐ. Đó là cùng với nhãn cổ còn có các vườn trái cây, rẫy màu, ao cá… phù hợp với mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Và trên thực tế, một số hộ dân đã phát triển mô hình du lịch này như: điểm ẩm thực bánh xèo A Mật gắn với vườn nhãn cổ (xã Hiệp Thành), hay Vườn sinh thái Kim Cương (xã Vĩnh Trạch). Cái hay của mô hình DLCĐ gắn với khai thác các giá trị sinh thái chính là phát huy có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Du lịch sinh thái là một hình thức du lịch diễn ra trong khu vực tự nhiên kết hợp với tìm hiểu bản sắc văn hóa – xã hội của địa phương có sự quan tâm đến vấn đề môi trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái phát triển bền vững thông qua một quá trình quản lý môi trường có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Đặc biệt là góp phần phát huy và khai thác tốt tài nguyên đất thông qua việc cải tạo vườn tạp để trồng thêm cây ăn trái, đào thêm ao nuôi cá đồng và phát triển các loại cây xanh, hoa kiểng khác làm cho môi trường sinh thái thêm xanh – sạch – đẹp, góp phần tạo cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về môi trường.
Phát triển DLCĐ còn một ý nghĩa rất quan trọng là thúc đẩy cho du lịch văn hóa phát triển. Xét ở góc độ nào đó, du lịch văn hóa là một trong những thành phần quan trọng nhất của du lịch dựa vào cộng đồng khi văn hóa tạo ra sức hút và hấp dẫn du khách, mà các lễ hội dân gian đã minh chứng cho điều đó.
Chưa dừng ở đó, phát triển DLCĐ còn thúc đẩy cho du lịch nông nghiệp phát triển và tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Đó là mô hình DLCĐ gắn với tham quan các trang trại nuôi động vật hoang dã, xem mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi ốc hương, hợp tác xã nuôi nghêu… Đồng thời, được thưởng thức các món ngon chế biến từ các đặc sản này, nhất là về “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm được thưởng thức hàng chục món được chế biến từ con tôm và các loại thủy hải sản khác được khai thác từ biển. Ngoài ra, du khách còn được trực tiếp tham gia vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp như: tự bắt tôm, nghêu, ốc… qua mô hình du lịch “Một ngày làm nông dân”.
Không chỉ thế, thông qua mô hình DLCĐ, du khách còn chia sẻ các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương và nghỉ dưỡng tại đây để đêm về cùng vào rừng săn ốc, bắt ba khía và cả việc xem biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử thông qua mô hình du lịch homestay. Qua đó, tạo thêm thu nhập và phát triển thêm hệ thống dịch vụ khi du khách có nhu cầu ăn ở, nghỉ ngơi qua đêm để được trải nghiệm và khám phá.
Với những tiền đề và thế mạnh sẵn có, phát triển DLCĐ sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực và tạo nên những động lực mới cho du lịch TP. Bạc Liêu phát triển. Cụ thể là sẽ mở ra cơ hội tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, giải quyết bài toán về thu nhập trong thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đồng thời, tạo điều kiện để phát triển kinh tế địa phương thông qua việc bán các sản phẩm, cung cấp dịch vụ của du lịch, thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển và chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động từ nông nghiệp thuần túy sang làm dịch vụ, thương mại. Đặc biệt và quan trọng hơn cả chính là thông qua mô hình DLCĐ sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng và khai thác có hiệu quả bản sắc đặc thù. Từ đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch TP. Bạc Liêu nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Kim Trung
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn