Tiền Hải – Thái Bình: Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Các sản phẩm OCOP sau khi được phân hạng giúp nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng doanh số bán hàng cho các chủ thể.

Cơ sở chế biến sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh, xã Nam Thịnh (Tiền Hải)

Phát huy lợi thế của địa phương ven biển có nghề khai thác thủy sản phát triển mạnh, những năm qua, Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh (xã Nam Thịnh) đã tập trung vào việc thu mua và chế biến thủy hải sản, đồng thời còn chú trọng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hàng năm, Công ty thu mua, chế biến và tiêu thụ khoảng 1.800 tấn hải sản các loại để cung cấp cho nhiều nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp thực phẩm trong và ngoài tỉnh.

Anh Phạm Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh cho biết: Nhận thức được giá trị của chương trình OCOP, từ năm 2022 đến nay, Công ty đã đầu tư mở rộng sản xuất và xây dựng thành công 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: tép biển khô, nõn tôm, chả cá song, chả tôm, chả cá nhạc, cá nhệch kho tộ. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm của Công ty được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện nay, các sản phẩm hải sản chế biến của Công ty đã có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng ở tỉnh Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… Ngoài ra, Công ty còn đẩy mạnh việc bán hàng qua các kênh facebook, zalo của Công ty, Hội OCOP huyện Tiền Hải. Từ đó, giúp Công ty tăng doanh số bán hàng, mỗi năm đạt hơn 16 tỷ đồng.

Đến nay, huyện Tiền Hải có 42 sản phẩm OCOP của 27 chủ thể ở 18 xã được nhận diện thương hiệu “nông sản 14/10”, trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, còn lại là các sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau từ nông sản như gạo, trứng, thịt, rau, tỏi, lạc, nấm đến thủy hải sản như cá, tôm, tép, mực, ốc, ếch, rồi các sản phẩm chế biến như giò, chả, bún, rượu, cá kho hay các sản phẩm dược liệu như trà, tinh dầu, các sản phẩm thủ công mây tre đan, chiếu trúc…

Ông Đỗ Thành Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để chương trình OCOP đạt được kết quả tốt, thời gian qua, Phòng đã tích cực tham mưu UBND huyện triển khai các nội dung theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ cho các chủ thể tiếp cận các thị trường thông qua hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ cho mỗi sản phẩm OCOP và chủ thể 80 triệu đồng; hướng dẫn các chủ thể tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh để trưng bày, quảng bá sản phẩm của địa phương.

Mặc dù mới được thành lập từ đầu năm nay nhưng Hội OCOP huyện Tiền Hải đã thể hiện rõ vai trò trong việc hỗ trợ các hội viên hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, xây dựng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP với thương hiệu chung “nông sản 14/10”. Không chỉ tích cực tham gia các hội chợ, Hội còn lập trang facebook, zalo và mở cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm ngay tại trụ sở Hội. Nhờ đó giúp nhiều hội viên tăng doanh thu từ việc bán hàng, kết nối được một số hội, ngành, HTX, đối tác khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Theo ông Bùi Văn Khái, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến thủy hải sản số 6 (xã Nam Cường): Công ty hiện có một sản phẩm OCOP 3 sao “nước mắm Tiền Châu”. Khi tham gia vào Hội OCOP huyện Tiền Hải, Công ty cũng được anh em hội viên giúp đỡ kết nối tới các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ bán hàng qua các kênh bán hàng điện tử; tham gia quảng bá, bày bán các sản phẩm tại các hội chợ. Nhờ đó, giúp Công ty tiếp cận, mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh số bán hàng so với trước đây.

Ông Ngô Văn Duẩn, Chủ tịch Hội OCOP huyện Tiền Hải cho biết: Hiện nay, Hội có 27 thành viên với 42 sản phẩm OCOP. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên, ngay từ đầu năm, Hội đã xây dựng kế hoạch, chương trình để giới thiệu các sản phẩm OCOP của hội viên tham gia trong những chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; khai trương sàn thương mại điện tử bán các sản phẩm cho hội viên trên các kênh mạng xã hội. Qua các kênh bán hàng này thì sản phẩm OCOP của các hội đã tiêu thụ nhanh chóng, được khách hàng ở nhiều nơi lựa chọn tin dùng.

Năm 2024, huyện Tiền Hải phấn đấu có thêm ít nhất 15 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên trên 50 sản phẩm. Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, huyện sẽ củng cố và nâng cấp sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, định hướng các chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm các sản phẩm OCOP.

Gian bán sản phẩm OCOP

Trần Tuấn

Báo Thái Bình – baothaibinh.com.vn