Nói thì có vẻ khó tin, nhưng khi tận mắt nhìn thấy sản phẩm mới tin rằng, nhiều người già hơn 80 tuổi vẫn ăn được kẹo lạc Cu Mót bởi thanh kẹo phủ đầy lạc, phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy đường, mạch nha, nên sản phẩm giòn, xốp và không bị cứng. Chỉ cắn nhẹ, những hạt lạc giòn rụm đã vỡ tan trong miệng, kẹo có vị thơm bùi, ngọt thanh do ít đường, mạch nha.
Kẹo lạc Cu Mót của hộ kinh doanh Lê Văn Cường là sản phẩm truyền thống, được làm hoàn toàn thủ công nên hàng không có sẵn số lượng lớn, muốn mua phải đặt trước. Thậm chí, có thời điểm, hàng làm ra không kịp bán. Vào dịp Tết, nhiều khách hàng thường đặt kẹo lạc Cu Mót làm quà biếu, tặng kèm trong các giỏ quà và sản phẩm luôn được thực khách ưa chuộng, đánh giá cao bởi vị ngon hiếm có.
Bí quyết để làm ra sản phẩm kẹo lạc Cu Mót thơm ngon là việc tuyển chọn nguyên liệu. Lạc được chủ cơ sở kén chọn rất kỹ lưỡng, phải là loại lạc ré, bóc bằng tay. Sau khi rang phải có thời gian ủ để lạc vàng rộm, chín ngấu và thơm ngon hơn.
Sau đó, đánh vỏ lạc thật sạch sẽ; tỉ mẩn chọn từng hạt hà, hạt mốc bỏ đi. Công đoạn dù đơn giản, nhưng được chủ cơ sở làm rất cẩn thận và cũng tốn nhiều thời gian.
Anh Lê Văn Cường, chủ cơ sở kẹo lạc Cu Mót cho biết: “Trước đây, mẹ tôi là nhân viên Xí nghiệp bánh kẹo Vĩnh Yên (cũ) nên gia đình có nghề làm kẹo lạc truyền thống. Đến nay đã ngót 30 năm, gia đình tôi vẫn duy trì nghề làm kẹo và mới được thành phố Vĩnh Yên thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao”.
Ngoài lạc là nguyên liệu chính, để làm kẹo cần thêm đường và mạch nha. Theo chủ cơ sở, sản phẩm không có chất bảo quản nên thời gian sử dụng trong vòng 3 tháng. Đây cũng là thời gian kẹo lạc ăn ngon nhất, để lâu lạc ỉu, không còn thơm ngon như ban đầu, nên cơ sở không làm nhiều, hàng làm đến đâu bán đến đấy. Mặt khác, do là nghề gia truyền, nên chủ cơ sở cũng không nhận người ngoài vào làm thuê, chỉ 3-4 anh em trong gia đình tổ chức làm kẹo để giữ bí quyết nghề.
Khâu nấu đường và mạch nha được anh Cường làm rất cẩn thận. Mỗi mẻ kẹo lạc, anh cho rất ít đường, mạch nha, nên sản phẩm không bị cứng, ngọt gắt. Hay nói cách khác, đường và mạch nha chỉ cho đủ để làm kết dính những viên lạc lại với nhau.
Thay vì ăn được 1-2 chiếc, với kẹo lạc Cu Mót, mỗi người ăn 3-4 chiếc mà không biết chán và sản phẩm được nhiều khách hàng đặt mua làm quà biếu. Đây cũng là cái duyên để sản phẩm có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và sang cả nước ngoài. Nhất là vào dịp cuối năm, khi các Việt Kiều về quê đón Tết, nhiều gia đình thường đặt hàng sẵn để ra Giêng gửi gắm món quà quê thân thương cho anh em, bạn bè.
Anh Cường cho biết thêm: “Trên thị trường có nhiều loại lạc, nhưng gia đình tôi chỉ tìm mua lạc quê ở các vùng Tam Dương, Lập Thạch, Tam Đảo vì các hạt lạc tròn đều, đạt chất lượng tốt”.
Cũng với khâu nấu đường, nước, mạch nha theo tỷ lệ, anh Cường đồng thời cho lạc vào chảo rang nhỏ lửa. Khi cả 2 thức nguyên liệu được đun nóng đến độ thì đổ vào trộn đều với nhau, sau đó đổ ra bàn cán mỏng, làm nguội và cắt thanh vừa ăn. Do làm thủ công, mỗi ngày, cơ sở làm được tối đa từ 60-80 hộp kẹo lạc (trọng lượng ½ kg/hộp).
Với thương hiệu vừa được địa phương công nhận sản phẩm OCOP năm 2023, kẹo lạc Cu Mót được nâng tầm giá trị cũng như khẳng định chất lượng sản phẩm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm ngày càng vươn xa, phát huy nghề truyền thống của địa phương và đóng góp phong phú hơn vào chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Dưới đây là hình ảnh một số quy trình làm ra sản phẩm kẹo lạc Cu Mót:
Khâu sơ chế lạc…
… đánh vỏ lạc
Khâu nấu đường, mạch nha
Cán mỏng, làm nguội…
Kẹo lạc thành phẩm
Bài, ảnh: Hà Trần
Báo Vĩnh Phúc Online – baovinhphuc.com.vn