Nâng cao chất lượng sản phẩm nông thôn thân thiện với môi trường
Phát triển theo nhóm ngành nghề
Với mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6,0-7,0%/năm; thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5-3 lần so với năm 2020; Phấn đấu đến năm 2030, lao động trong khu vực ngành nghề nông thôn được đào tạo góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt 75-80%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50-55%; trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung cho việc định hướng phát triển theo nhóm ngành nghề như nhóm ngành nghề nông thôn; nhóm bảo tồn và phát triển làng nghề; nhóm bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề.
Để thực hiện và bám sát những định hướng trên tỉnh đã tập trung cho việc tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất. Kết hợp phương pháp sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, địa phương. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với việc tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.
Nghiên cứu, khuyến khích sử dụng nguyên liệu mới có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường thay thế cho các nguyên liệu truyền thống đang dần khan hiếm. Hình thành các điểm sơ chế, chế biến các nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung nhằm đảm bảo ổn định, bền vững hướng đến giảm phụ thuộc vào rừng tự nhiên và nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình và mở rộng quy mô các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống ở khu vực nông thôn; chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất nông nghiệp sang cung cấp các loại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân khu vực nông thôn…
Đào tạo nâng cao tay nghề
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt, hợp tác xã là trung gian giữa doanh nghiệp và người dân.
Ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ thông tin, máy móc, thiết bị vào sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ưu tiên đối với các công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường và phù hợp đặc điểm từng nhóm ngành nghề nông thôn. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có chứng chỉ bền vững, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, hiện tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó tập trung đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức; hoàn thiện thể chế chính sách; tổ chức lại sản xuất.
Bên cạnh đó tập trung rà soát lại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đảm bảo phải có phương án bảo vệ môi trường, khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường. Hỗ trợ đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở ngành nghề, làng nghề.
Tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động vùng nông thôn theo định hướng phát triển của địa phương. Căn cứ nhu cầu của người lao động, hỗ trợ đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp
Tập trung đào tạo nâng cao tay nghề; bổ sung các kiến thức về khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, công nghệ thông tin, thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm cho người lao động. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, thiết kế mẫu mã sản phẩm và xu hướng thị trường. Đồng thời, tham gia đào tạo, truyền nghề cho người lao động trong các làng nghề.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế – thuathienhue.gov.vn