Hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Sanh Minh – hộ sản xuất có quy mô nhất ở làng nghề sản xuất bún tươi Vân Cù (xã Hương Toàn) – đã áp dụng phương thức sản xuất bằng máy liên hoàn, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 5-6 tạ bún tươi. Cơ sở của anh cũng giải quyết việc làm cho 4-5 lao động có thu nhập ổn định. “Được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay sản xuất và quảng bá giới thiệu sản phẩm, gia đình tôi mạnh dạn mở rộng sản xuất, đem lại doanh thu mỗi tháng 150 triệu đồng…” – anh Nguyễn Sanh Minh phấn khởi.
Sau khi được công nhận làng nghề truyền thống, nghề bún Vân Cù khẳng định được thương hiệu, các hộ đã chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị vào sản xuất bún như máy ép bún bán thủ công, máy đánh bột, máy làm gạo… để nâng cao năng suất cung ứng ra thị trường. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Hội làng nghề bún Vân Cù, cho hay: Mỗi ngày các lò bún ở đây cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bún các loại. Hộ ít, sản xuất 1-2 tạ, hộ nhiều 3-4 tạ/ngày. Thị trường tiêu thụ khắp tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhờ vậy, doanh thu năm 2022 của làng nghề đạt gần 110 tỷ đồng…
Để có thành quả này, làng nghề bún Vân Cù đã trải qua không biết bao sóng gió. Thời gian khó khăn nhất, toàn xã chỉ có gần 30 hộ sản xuất bún với quy mô nhỏ lẻ bằng thủ công, tự sản xuất, tự tiêu thụ ra thị trường, năng suất sản lượng không đáng kể, làng nghề ngày càng gây ô nhiễm môi trường. Bằng sự nỗ lực quyết tâm của chính quyền xã Hương Toàn trong việc khôi phục làng nghề, đến năm 2012, địa phương được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đầu tư nguồn vốn trên 2,8 tỷ đồng thực hiện dự án xử lý nước thải vệ sinh môi trường làng nghề. Qua đó, 100% số hộ được xây dựng bể lắng, lọc trước khi xả thải ra khu vực xử lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường cơ bản được giải quyết. Nhờ thế đã trở thành động lực lớn tạo nên sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ cho làng nghề bún Vân Cù. Các hộ sản xuất bún đã mạnh dạn đầu tư máy sản xuất bún tự động, khép kín, làng nghề ngày càng thu hút thêm nhiều hộ tham gia.
Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, ông Nguyễn Hồng Toàn, thông tin: Sau khi làng bún Vân Cù được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, tiếng tăm làng nghề vang xa hơn, tạo cơ hội giúp nghề bún Vân Cù khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, số hộ tham gia sản xuất càng tăng lên. Hiện nay, Vân Cù có gần 50% số hộ (160/350 hộ) trực tiếp làm nghề sản xuất bún, số hộ còn lại làm dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, đưa bún ra khắp các huyện, thị, thành phố. Mỗi ngày, các lò bún ở đây cung cấp cho thị trường trên 30 tấn bún các loại, chưa kể các dịp lễ, tết phải tăng gấp đôi công suất.
Không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, nhiều hộ gia đình ở đây ngày càng tích lũy đầu tư cải tiến kỹ thuật, từng bước nâng cao chất lượng, tiến tới chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề sản xuất bún tươi truyền thống. Hiện tại, làng nghề đã có hơn 110 hộ sử dụng máy làm bún liên hoàn, khép kín với công nghệ tiên tiến, cho năng suất cao, rút ngắn thời gian sản xuất và giảm sức lao động.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Toàn, UBND xã đã chọn sản phẩm bún tươi Vân Cù là sản phẩm chủ lực của địa phương theo chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm OCOP. Địa phương cũng đang thành lập Tổ liên kết sản xuất để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, sẽ ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất mở rộng vùng nguyên liệu gắn với hoạt động làng nghề; quy hoạch vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển bền vững của làng nghề.
Ngoài làng bún Vân Cù, nghề bánh gói Hương Cần hiện có 17 hộ đang sản xuất phân tán ở Hương Toàn. Đa số các hộ sản xuất thủ công, một số hộ đã đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Hiện tại, thị xã Hương Trà đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận nghề truyền thống bánh gói Hương Cần. |