Thừa Thiên Huế: Kết nối cùng thiên nhiên

Thừa Thiên Huế lưu dấu với du khách không chỉ có những giá trị văn hóa đặc biệt mà còn hấp lực bởi cảnh quan thiên nhiên khi muốn trải nghiệm...


Biển Cảnh Dương – địa chỉ du lịch sinh thái ấn tượng với du khách nước ngoài

Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Cố đô Huế hệ tài nguyên tự nhiên phong phú, với nhiều bãi biển đẹp, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cùng một hệ thống sông ngòi, kênh rạch trải dài, như sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Truồi… Chính những tiềm năng, lợi thế này, Thừa Thiên Huế có thể phát triển nhiều loại hình du lịch kết nối với thiên nhiên, như du lịch biển, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng…

Hiện, không ít du khách khi đến Thừa Thiên Huế đã ấn tượng với các điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng được chính quyền sở tại phối hợp tạo dựng, như: Nhà vườn Lương Quán – Nguyệt Biều tại TP. Huế; khu vực cầu ngói Thanh Toàn tại TX. Hương Thủy hay khu sinh thái Đầm Chuồn tại huyện Phú Vang… Bên cạnh đó là các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng, như tour “Hoàng hôn phá Tam Giang”; tour “Thăm làng cổ Phước Tích – Đan lát Thủy Lập – Thôn Ngư Mỹ Thạnh – Phá Tam Giang”; tour “Đạp xe về phá Tam Giang”… Các tour du lịch này không chỉ phù hợp với du khách, các đoàn đi theo dạng Teambuilding, mà còn thích hợp với hoạt động dã ngoại cuối tuần của người dân địa phương.

Không ít lần trao đổi với những người làm lữ hành du lịch Huế, tôi được chia sẻ, đa số khách du lịch đến Thừa Thiên Huế từ các quốc gia khác nhau. Xu hướng hiện nay họ muốn trải nghiệm là hướng đến thiên nhiên, mỗi bước chân của họ trong từng điểm đến đều gắn liền với ý thức bảo tồn thiên nhiên. Khi du khách cảm nhận được vùng đất, điểm đến với những khung cảnh hoàn toàn do thiên nhiên tạo dựng, họ cho rằng được những trải nghiệm khác biệt và duy nhất để gần hơn với thiên nhiên.

Gắn kết với thiên nhiên cũng là tiêu chí của nhiều tour du lịch được tổ chức gần đây không chỉ ở Thừa Thiên Huế. Đại diện một số hãng lữ hành cho rằng, việc chào bán các sản phẩm du lịch hiện nay không dễ, đặc biệt đối với thị trường khách nước ngoài. Thế nhưng khi nhà tổ chức du lịch xem trọng các sản phẩm du lịch bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới tự nhiên thì việc bán tour du lịch cho du khách nước ngoài là không khó…

Một “hồ sơ” của hãng lữ hành hiện tại phải có lượt đánh giá về tác động môi trường đối với các sản phẩm du lịch của họ, cùng với những tiêu chí phát triển bền vững mà doanh nghiệp hướng đến.

Vui là hiện nay ngành du lịch tỉnh nhà xác định phát triển du lịch xanh, hài hòa với thiên nhiên là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh, theo mục tiêu Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện mục tiêu này, Thừa Thiên Huế không thiếu dư địa tài nguyên thiên nhiên để “dụng võ” cho ngành du lịch. Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, địa phương nghiên cứu khai thác hiệu quả tài nguyên, xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch kết nối với thiên nhiên và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Điều này mong các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp và vấn đề thân thiện, bảo vệ môi trường phải đặt lên hàng đầu.

Bài, ảnh: Hoài Minh
Báo Thừa Thiên Huế- baothuathienhue.vn