Thừa Thiên Huế: Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thực hiện nội dung Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 28/8/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 338/KH-UBND triển khai Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt những chỉ số sau: Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6,0-7,0%/năm. Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Hỗ trợ các cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng kí các hình thức bảo hộ trí tuệ. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, các sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển từ 02 đến 05 điểm du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề… Phấn đấu đến năm 2030, lao động trong khu vực ngành nghề nông thôn được đào tạo góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt 75-80%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50-55%.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân. Phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử và truyền thống của vùng, miền.

Theo Kế hoạch, sẽ định phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn gồm: Nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Ngoài ra, còn định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề

Theo đó, Kế hoạch cũng triển khai các giải pháp chủ yếu phát triển ngành nghề nông thôn về: Truyền thông và nâng cao nhận thức; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Tổ chức lại sản xuất; Bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông thôn; Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; Phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Tăng cường quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn.

Cổng TTĐT tỉnh Thừa Thiên Huế – thuathienhue.gov.vn