Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, đặc sản Nam Đông

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm mây, tre đan truyền thống của đồng bào Cơtu

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm mây, tre đan truyền thống của đồng bào Cơtu

Nhằm giới thiệu và quảng bá các đặc sản của địa phương, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức nhiều diễn đàn nhằm tăng cường hoạt động kết nối giao thương giữa các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp với các nhà thu mua nông sản, siêu thị, sàn thương mại điện tử… các hoạt động này như “một luồng gió mới”, thúc đẩy sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ tích cực cho bà con nông dân trong quá trình phân phối, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa nông, đặc sản của Nam Đông bước ra thị trường hàng hoá rộng mở hơn.

Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco không chỉ là đơn vị thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất một số cây đặc sản thương hiệu Nam Đông tại khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi thác Mơ, với 5 loại cây: Ớt, chuối, dứa, thiên niên kiện và hoa đỗ quyên Bạch Mã. Công ty YesHue Eco còn đi đầu trong việc phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông, đặc sản do bà con nông dân trên địa bàn huyện Nam Đông sản xuất. Thấy được tiềm năng, lợi thế và những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nông, đặc sản trên địa bàn, công ty đã trở thành cầu nối, tổ chức các hoạt động, hội thảo quảng bá mô hình sản phẩm đặc sản Nam Đông, bước đầu mở ra những cơ hội, những “cái bắt tay” giữa nguồn cung và cầu. Bà Phạm Thị Diệu Huyền, Nhà sáng lập Công ty TNHH Mộc Truly Hue’s chia sẻ: “Sau buổi kết nối nông sản này, Mộc cũng đã tìm được một số nhà cung ứng thích hợp về sả và gừng. Đặc biệt, Mộc cũng đang mong muốn, huyện Nam Đông có thêm một số sản phẩm nông sản để đưa về chỗ Mộc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất như sấy lạnh hay sấy than hoa để nâng tầm giá trị nông sản Nam Đông hơn”.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp cùng tìm hiểu, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Ông Tà Rương Mão, Chủ cơ sở chế biến Rượu Tà Rương Mão, xã Thượng Long, huyện Nam Đông phấn khởi nói: “Từ khi các sản phẩm của gia đình tôi đạt chứng nhận OCOP, tôi đã tham gia rất nhiều hội chợ, hội thảo nhưng đợt này, chúng tôi rất vui mừng vì tại hội thảo đã kết nối được với 4 đơn vị, doanh nghiệp sẽ tiến hành tiêu thụ sản phẩm Rượu của gia đình tôi trong thời gian tới”.

Sâm Bố Chính hay còn gọi là sâm báo, sâm Thổ Hào, vài năm trở lại đây đã được trồng ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, bước đầu cho giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, tuy nhiên vẫn có những rủi ro nhất định. Đến với hội thảo lần này, đại diện công ty mong muốn đưa một loại cây trồng mới vào Nam Đông, sẽ mang lại thu nhập ổn định cho người dân và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả quả kinh tế cao, góp phần cùng với địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo và hướng tới giảm nghèo bền vững. Bà Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia trao đổi: “Năm 2024, SBC Hoàng Gia sẽ hỗ trợ cho bà con trồng thử nghiệm cây sâm bố chính tại huyện Nam Đông, với diện tích nhỏ và chia ra các hộ, để các hộ nắm bắt được quy trình kỹ thuật cũng như cách chăm sóc. Nhìn thấy được tiềm năng phát triển của cây sâm bố chính trên địa bàn huyện cũng như có cơ hội mở rộng cho những năm tiếp theo, nếu điều kiện phù hợp và bà con thấy được tiềm năng phát triển đó”.

Những cam kết và hoạt động kết nối đã mở ra cơ hội mới cho bà con trồng, sản xuất các sản phẩm nông, đặc sản của huyện Nam Đông phát triển nguồn sản phẩm; được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển đa dạng các loại hình du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt, bà con nông dân được tiếp cận, kết nối các hình thức phân phối sản phẩm nông, đặc sản vùng cao trên các kênh, sàn thương mại điện tử. Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục Trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong việc liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông đặc sản vùng miền của các địa phương, khâu kết nối người bán, người mua, người tiêu dùng rất quan trọng. Các hội thảo như thế này đáp ứng được mục tiêu đó khi người bán, người mua, người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, chủ cơ sở, chủ thể OCOP có thể tìm kiếm và liên hệ được với nhau tìm được đầu ra cũng như liên kết tiêu thụ sản xuất giúp cho các sản phẩm nông, đặc sản vùng miền địa phương ngày càng có thị trường rộng mở hơn”.

Giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng

Không còn phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, được chăng hay chớ, người nông dân huyện miền núi Nam Đông với sự hỗ trợ của chính quyền và các doanh nghiệp đang cùng nhau bắt tay tạo chỗ đứng, xây dựng thương hiệu cho các nông, đặc sản nói riêng; đồng thời, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa để tạo nên vùng nguyên liệu, vùng sản xuất nông nghiệp quy mô, đẩy mạnh sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu của thị trường; từng bước xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tạo ra các sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững.

Mô hình trồng rau thuỷ canh của anh Trương Minh Hào ở Hương Phú, Nam Đông được nhiều cơ sở, doanh nghiệp quan tâm

Cổng TTĐT tỉnh Thừa Thiên Huế – thuathienhue.gov.vn