Với tiềm năng và lợi thế của địa phương, đến nay, thành phố Kon Tum có 83 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Qua rà soát của đơn vị chuyên môn, đến tháng 6/2024, trong tổng số các sản phẩm OCOP của thành phố đã được công nhận có 18 sản phẩm (thuộc các nhóm sản phẩm thực phẩm tươi sống; thực phẩm thô, sơ chế; thực phẩm chế biến; cà phê, ca cao; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch) đạt 3 sao và 4 sao của 10 chủ thể đã hết thời hạn 36 tháng sử dụng nhãn hiệu OCOP. Đây là các sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tiến hành đánh giá và được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận, cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP vào các năm 2019, 2020.
Trên cơ sở đó, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với UBND các xã, phường tiến hành thông tin, vận động và hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 148/QĐ-TTg, ngày 24/3/2023.
Thành phố Kon Tum tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024. Ảnh: ĐT
Hiểu rõ được lợi ích mà sản phẩm OCOP mang lại cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của mình nên sau khi hết thời hạn 36 tháng sử dụng nhãn hiệu OCOP, các chủ thể đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đăng ký tham gia đánh giá lại để tiếp tục được cấp thẩm quyền công nhận và cấp Giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP.
Đầu tháng 7/2024, thành phố Kon Tum tổ chức Hội nghị tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đợt 1 năm 2024. Tại đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thành phố Kon Tum có 11 sản phẩm của 4 chủ thể đủ điều kiện đăng ký tham gia, trong đó, có 4 sản phẩm (gồm 2 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao) của 2 chủ thể tham gia đánh giá lại.
Qua công tác đánh giá, chấm điểm, Hội đồng ghi nhận sự nỗ lực của các chủ thể, nhất là các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá lại. Các chủ thể đã chú trọng đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, dây chuyền sản xuất, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm và chủ động tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm rộng rãi trên thị trường.
Doanh nghiệp tham gia đánh giá lại đối với các sản phẩm OCOP hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu. Ảnh: Đ.T
Đối với các chủ thể trên địa bàn thành phố Kon Tum có sản phẩm OCOP đã hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP còn lại, hiện nay, các chủ thể đang tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, để qua đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện tham gia Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố trong đợt tiếp theo.
Đại diện Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau sạch Phượng Hồng (phường Nguyễn Trãi), chủ thể có 4 sản phẩm OCOP 3 sao đã hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP chia sẻ, Hợp tác xã đang đầu tư hoàn thiện chất lượng các sản phẩm để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của Bộ tiêu chí đối với sản phẩm OCOP.
Còn đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tây Nguyên Xanh (phường Thống Nhất), chủ thể có 2 sản phẩm OCOP 3 sao đã hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP thì cho hay, thời gian qua, Công ty đã chú trọng đầu tư các trang thiết bị, máy móc và các khâu sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tại, Công ty đã đăng ký với chính quyền địa phương và gửi hồ sơ tham gia đánh giá lại đối với các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP.
Bà Đinh Thị Mỹ Linh- Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết, đơn vị đang tiếp tục liên hệ, vận động các chủ thể có sản phẩm OCOP đã hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu tham gia đăng ký đánh giá lại, để qua đó, các sản phẩm tiếp tục được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP, tạo động lực giúp các chủ thể đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh và góp phần phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP.
Đức Thành
Báo Kon Tum – baokontum.com.vn