Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện nhóm tư vấn trình bày dự thảo Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn Quốc gia Cát Tiên đến năm 2030, các đại biểu tập trung thảo luận, góp nhiều ý kiến phản ánh nhiều góc nhìn về hiện trạng, định hướng, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.
Theo các đại biểu, cần đánh giá sâu hơn về hiện trạng, tiềm năng của hệ sinh thái tự nhiên (cảnh quan, tài nguyên đa dạng sinh học, tài nguyên rừng…) và hệ sinh thái nhân văn (các giá trị, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng các dân tộc thiểu số, công tác quản trị, chất lượng nguồn nhân lực…). Song song đó, các đại biểu đề nghị cần đánh giá sâu hơn về các tác động đến môi trường, xã hội, các biện pháp quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, hạn chế, giảm thiểu tác động tiêu cực khi thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm phân tích, dự báo cung – cầu, phân loại các nhóm khách hàng mục tiêu, cũng như xác định các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, thị trường tiềm năng; đồng thời, đề xuất mở rộng các quan hệ, hình thức hợp tác, liên kết, chia sẻ lợi ích trong hoạt động du lịch sinh thái.
Một vấn đề nữa mà các đại biểu cũng rất quan tâm đề xuất, đó là thiết kế các chương trình quảng bá, xúc tiến thị trường, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; có chính sách, cơ chế phù hợp để huy động, thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa trong hoạt động du lịch sinh thái…
Một khi đề án được triển khai không những thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, còn góp phần phát triển loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, khảo cổ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ học Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng./.
Triều Ka