Chúng tôi bon bon trên cung đường rộng hơn 8m, dài hơn 4km đẹp như mơ vì mới được đầu tư hơn 50 tỷ đồng để mở rộng, trải asphalt phẳng lì đến trung tâm xã La Bằng. Đường đẹp, cảnh đẹp khiến bao mệt nhọc, muộn phiền như tan biến. Chúng tôi hạ kính cho gió mát lùa vào khoang xe, ngắm những ngôi nhà được xây dựng khang trang theo nhiều kiểu dáng hiện đại, có tường rào ngay ngắn, vuông vắn, hoa leo nở kín tường.
Xa xa là những đồi chè búp non tua tủa như thảm nhung. Sự trù phú hiển hiện trong tầm mắt khiến tâm trạng ai cũng lâng lâng xúc cảm như đứa con xa quê lâu ngày trở về.
Sở dĩ tôi nói vậy, bởi chúng tôi đã từng đến La Bằng ở những giai đoạn địa phương này cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Cây chè lúc đó chưa thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhiều người dân muốn chuyển đổi diện tích chè sang trồng cây ăn quả. Nhưng cuối cùng cây chè vẫn “nên duyên” với người dân nơi đây với diện tích hơn 330ha, chủ yếu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, giá bán luôn cao hẳn hơn so với nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện cùng trồng chè. Cây chè đã góp phần giúp nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả. Hiên nay, toàn xã chỉ còn 15 hộ nghèo, đều thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Lần này đến La Bằng, trong câu chuyện của chúng tôi với những người cán bộ và người dân trong xã, thay vì nói đến cây chè, chúng tôi lại rôm rả với chuyện phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. Anh Dương Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã La Bằng, cho biết: UBND xã mới tổ chức công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng Điểm du lịch xã La Bằng, với diện tích quy hoạch là 92ha, tại xóm Tân Sơn. Khu quy hoạch bao gồm các chức năng: Khai thác du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa kết hợp phát triển vùng chè xung quanh suối Kẹm gắn với Vườn quốc gia Tam Đảo. Khu vực có quy hoạch hạ tầng đồng bộ về hệ thống đường giao thông, đường điện, bãi đỗ xe, trung tâm văn hóa cộng đồng kết hợp thương mại, dịch vụ; quy hoạch khu vực biệt thự nghỉ dưỡng, khu dân cư mới, khu vực du lịch cộng đồng homstay hiện đại, đồng bộ về hạ tầng…
Hiện nay, hơn 10 hộ dân sống ở xóm Tân Sơn đã tận dụng những điều kiện sẵn có của gia đình về vị trí, cảnh quan để dầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ ăn uống và lưu trú.
Tân Sơn là xóm nằm ở sườn Đông dãy núi Tam Đảo, có khí hậu mát mẻ, phong cảnh vừa hùng vĩ vừa hữu tình với bát ngát màu xanh của núi rừng, của những nương chè, tiếng gió vi vu hòa trong tiếng rì rầm của dòng suối Kẹm chảy về từ thượng nguồn, dòng nước luồn lách qua các phiến đá lớn, nhỏ đủ hình thù, kích cỡ.
Sau khi thưởng ngoạn, tắm mát, du khách có thể thưởng thức món cá tầm thơm ngon, bổ dưỡng được các nhà hàng nơi đây chăn nuôi bằng chính dòng nước suối Kẹm. Hằng năm, Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn đón tiếp khoảng trên 20.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Chúng tôi dừng chân ở một trong những homstay được xây dựng đầu tiên ở Tân Sơn. Đó là La Bằng homestay, tọa lạc trên một quả đồi cao, tựa lưng vào núi, xung quanh là những đồi chè xanh mướt. Không gian tại La Bằng homestay được chủ nhân bố trí khá hợp lý giữa nhà hàng ẩm thực, nhà nghỉ lưu trú và bể bơi, các vật dụng đơn giản, mộc mạc, gần gũi khiến du khách thấy thoải mái như ở nhà mình.
Anh Nguyễn Văn Tới, chủ nhân La Bằng homestay, cho biết: Nhận thấy du khách đến với điểm du lịch suối Kẹm ngày một nhiều mà các dịch vụ tại đây còn hạn chế, tôi đã quyết định đầu tư nơi ở của gia đình thành một điểm đến trải nghiệm cho du khách. Đến với La Bằng homestay, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp giữa núi rừng hoang sơ, tận hưởng những giây phút thư thái bên gia đình, mà còn có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm như thu hái, chế biến chè, làm bánh, nấu ăn…
La Bằng – một miền quê đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với những thế và lực mới, khỏe khoắn và tươi đẹp chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn trong phát triển “công nghiệp không khói”, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây.
Hải Đăng
Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn