Thời gian qua, nhiều mô hình du lịch hấp dẫn nơi đây đã và đang khiến Đại Từ ngày càng ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Thường được biết đến là vùng trồng và chế biến chè lâu năm, trải dài bên sườn đông dãy núi Tam Đảo, thị trấn Quân Chu (huyện Đại Từ) còn sở hữu khí hậu ôn hòa dễ chịu cùng cảnh quan núi rừng hùng vĩ, hệ thống thác nước, khe suối hoang sơ, phù hợp khai thác du lịch theo hướng sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá thiên nhiên. 5 năm trở lại đây, một số tour đã hình thành và phổ biến như: Tham quan dã ngoại nương chè, tắm suối, thưởng thức ẩm thực, đi bộ xuyên rừng… gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc Dao, Tày.
Đáng chú ý, hầu hết các tour du lịch này do chính các thanh niên là con em địa phương xây dựng và phát triển, tạo nên nét đặc trưng và quảng bá hiệu quả hình ảnh quê hương. Mới nhất, từ tháng 6/2024, tour đu dây vượt thác (canyoning) Động Tiên được Thái Nguyên Adventure chính thức vận hành và đón những đoàn khách đầu tiên, nhận nhiều phản hồi tích cực. Canyoning là hoạt động thể thao ngoài trời kết hợp khám phá thiên nhiên được du khách quốc tế, du khách trẻ tuổi ưa thích và đã xuất hiện ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Sa Pa (Lào Cai), Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia, toàn bộ trang thiết bị của tour canyoning đều đạt tiêu chuẩn quốc tế và được hướng dẫn bởi đội ngũ chuyên gia có chứng chỉ hành nghề; du khách được tập huấn các kỹ năng an toàn, tinh thần tôn trọng thiên nhiên…
Sáng lập Thái Nguyên Adventure là hai anh: Nguyễn Văn Thức và Trương Thủy Luân, những người sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất này. Cả hai đều từng có công việc ổn định, thu nhập tốt tại các doanh nghiệp lớn. Sau thời gian dài nghiên cứu và tích lũy, hai người “bỏ phố về quê” mở khu lưu trú Đom Đóm Farm và xây dựng các tour sinh thái trải nghiệm, hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 15-20 lao động địa phương.
Anh Thức (sinh năm 1990) chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã đam mê các hoạt động kết nối với thiên nhiên chung quanh và ước mơ làm sao để mọi người ở khắp nơi biết đến vẻ đẹp vùng đất này. Và ý tưởng của chúng tôi là tạo nên một trung tâm kỹ năng dã ngoại và thể thao leo núi chuyên nghiệp tại Thái Nguyên, với nhiều loại hình và cấp độ phù hợp mọi đối tượng du khách, kể cả trẻ em”.
Hướng đi này có điểm tựa vững chắc là tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng sinh học của khu vực giáp ranh Vườn quốc gia Tam Đảo, song cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do hình thức leo núi chuyên nghiệp hay thể thao mạo hiểm còn rất mới mẻ không chỉ tại Thái Nguyên mà trên cả nước. Tuy nhiên, với mục tiêu tạo giá trị cho cộng đồng và cách làm bài bản ngay từ đầu, Thái Nguyên Adventure đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ chính quyền địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, Tỉnh đoàn…
Cách 35 km về phía bắc, Hoàng Nông Farm (xã Hoàng Nông) của anh Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1987) là điểm đến khá nổi bật từ sau dịch Covid-19 với tour đi bộ đường dài (trekking) chinh phục suối Cửa Tử. Từng làm hướng dẫn viên du lịch nhiều năm, đặc biệt chuyên các tour tuyến trekking đỉnh núi miền bắc, anh Tùng mạnh dạn đầu tư xây dựng nơi lưu trú và cung trekking theo dòng suối ở chính quê nhà. Hành trình bơi lội, khám phá bảy ngọn thác khác nhau dưới tán rừng nguyên sinh xanh mướt đã nhanh chóng trở thành một trong những tour phượt hấp dẫn du khách, nhiều bạn trẻ ở phía nam cũng biết đến qua mạng xã hội và tìm đến.
Với 10 xã nằm ven chân núi Tam Đảo, tiềm năng du lịch “xanh” của huyện Đại Từ rất dồi dào. Những dãy núi hay hồ, suối, thác nước đẹp hoang sơ như suối Kẹm (xã La Bằng), thác Ba Dội (xã Phú Xuyên), thác Đát Ngao và thác Động Tiên (thị trấn Quân Chu), hồ Vai Miếu (xã Ký Phú), suối Cửa Tử (xã Hoàng Nông)… là “kho báu” trời cho, cần được khai thác song song với việc quản lý, bảo tồn bền vững.
Tại xã La Bằng, một nơi phát triển du lịch sinh thái dã ngoại khá sớm, nhiều chủ homestay làm du lịch đồng thời với duy trì nghề trồng và chế biến chè, bởi hai sinh kế này gắn bó mật thiết và hỗ trợ nhau. Để làm đẹp thêm cảnh quan và tăng tiện ích cho du khách, người dân cải tạo nhà sàn truyền thống, trồng những con đường hoa, làm nhà hàng bằng vật liệu tự nhiên… Du khách Nguyễn Thị Hồng Nhung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, ba năm trước khi đến đây, gia đình chị phải tự túc đồ ăn uống, tự tìm đường, song giờ trở lại đây các dịch vụ đã đầy đủ và chỉn chu không thua kém những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng.
Du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên ở Đại Từ đã và đang gia tăng việc làm, tạo thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc địa phương.
Hiện nay, huyện đã lập đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 có tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ Trần Đăng Minh cho biết: Với định hướng đến năm 2030 đưa Đại Từ trở thành điểm thu hút du khách của tỉnh, huyện đã và đang tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó là đẩy mạnh quảng bá các điểm đến trên các website, mạng xã hội với nhiều hình thức.