Thạch Lập (Ngọc Lặc, Thanh Hóa): Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phát triển du lịch cộng đồng

Cùng với gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, bản sắc của đồng bào các dân tộc, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đang cùng nhân dân chú trọng thu hút phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Hiện toàn xã Thạch Lập còn lưu giữ 700 nếp nhà sàn truyền thống, trong đó, nhiều căn nhà có “tuổi thọ” trên dưới 100 năm. Đây là một trong những xã còn gìn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống khá nguyên vẹn trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Cùng với hệ thống nhà sàn, người Mường ở Thạch Lập còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc như: trang phục, ẩm thực, cồng chiêng, các làn điệu hát, múa, trò chơi dân gian…

Ngôi nhà sàn có tuổi đời gần 100 năm tuổi thôn Lập Thắng xã Thạch Lập

Cùng với kho tàng văn hóa đậm đà sắc thái văn hóa truyền thống, xã Thạch Lập có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: hang Gió (làng Lập Thắng) vẫn còn nguyên sơ chưa chịu tác động lớn của con người; đồi Hích có độ cao 850m so với mực nước biển; thác Khe Cha, hang Quăn cùng nhiều dãy núi cao hùng vĩ…đây chính là những ”món quà vô giá” thiên nhiên ban tặng cho đất và người nơi đây, là điểm nhấn để phát triển du lịch sinh thái – cộng đồng, đòn bẩy giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thạch Lập gây ấn tượng đến với du khách chính là cảnh sắc thiên nhiên yên bình, giữa màu xanh của núi đồi, rừng cây, thấp thoáng những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường tạo nên không gian cổ kính, đậm đà bản sắc truyền thống. Theo thống kê của UBND xã Thạch Lập, toàn xã có 93,6% dân số là người dân tộc Mường.

Hang Quăn – làng Đô Quăn xã Thạch Lập, Ngọc Lặc hấp dẫn du khách về đây tắm mát và tham quan

Theo người dân làng Đô Quăn truyền rằng làng có 3 hang động được đặt tên là hang Quăn, hang Thông gió và Bàn Cờ, từng là nơi trú quân của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh xâm lược nước ta. Hang Quăn rộng khoảng 1.500m2 độ sâu khoảng 4 – 5m, có nước bên trong có thể tắm và du thuyền ngắm cảnh hang động; nhiều dãy núi cao hùng vĩ…Nước suối từ trong hang chảy ra trong vắt, mát lạnh. Có nhiều sự tích và câu chuyện kì bí về hang.

Đồi Hích (đồi Bà Chúa Hích) một tuyệt tác của thiên nhiên, đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh có giá trị, là nơi lưu dấu sự kiện lịch sử và hội tụ phong cảnh thiên nhiên huyền ảo, kỳ vĩ.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nếp nhà sàn, các giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, cũng như thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025” của huyện Ngọc Lặc, trong thời gian qua, xã Thạch Lập đã vận động, tuyên truyền nhiều hộ dân thôn Lập Thắng có đủ điều kiện tiến hành cải tạo nhà sàn, chỉnh trang vườn nhà, hàng rào, cổng, ngõ làm du lịch cộng đồng.

Hiện tại, có nhiều hộ dân thôn Lập Thắng được xã Thạch Lập chọn làm điểm loại du lịch cộng đồng đã cải tạo xong nhà ở, cảnh quan môi trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đang sẵn sàng đón khách du lịch. Ông Phạm Văn Võ, 1 trong 10 hộ được chọn làm du lịch cộng đồng tại thôn Lập Thắng, cho biết: Được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, hỗ trợ kinh phí của huyện, tôi đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị và chỉnh trang cảnh quan, môi trường để làm du lịch cộng đồng. Hiện gia đình đã chuẩn bị xong các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đón khách và phục vụ các dịch vụ ăn uống, hoạt động trải nghiệm.

​​​​​​​Đồi Hích điểm tổ chức du lịch trải nghiệm thu hút được nhiều du khách biết đến

Trưởng thôn Lập Thắng, cho biết: Thôn Lập Thắng có 141 hộ, với 118 hộ còn lưu giữ được nếp nhà sàn truyền thống, trong đó, có 80 ngôi nhà có thể sửa chữa, cải tạo để làm du lịch cộng đồng. Hiện nay, nhiều hộ dân đã chủ động cải tạo nhà ở, chỉnh trang cảnh quan như: dọn dẹp khuôn viên, trồng thêm các loại hoa ven đường… sẵn sàng các điều kiện phục vụ du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con mà còn góp phần giữ gìn và phát huy nếp nhà sàn truyền thống. Vì vậy, bà con trong thôn rất phấn khởi và tích cực tham gia. Tuy nhiên, các hộ dân mong muốn trong thời gian tới xã Thạch Lập sẽ mở nhiều lớp tập huấn trang bị những kiến thức, kỹ năng về đón tiếp, phục vụ khách du lịch; chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm; cách xử lý tình huống trong quá trình hoạt động du lịch…

Ông Phạm Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Thạch Lập, cho biết: Trải qua hàng trăm năm sinh sống, đồng bào dân tộc Mường, xã Thạch Lập còn lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống và kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú được lưu truyền cho tới ngày nay.

Bên cạnh đó, xã Thạch Lập còn có nhiều hang động, phong cảnh hữu tình. Đây chính là điều kiện quan trọng để địa phương phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của huyện, cùng với việc vận động, tuyên truyền của xã, hiện có nhiều hộ dân ở thôn Lập Thắng đăng ký làm du lịch cộng đồng. Mô hình du lịch này không chỉ thuần túy là làm kinh tế mà phát triển du lịch gắn với với việc gìn giữ, phát huy nếp nhà sàn, văn hóa Mường.

Kiều Phiên 

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn